Hòa Bình: Vì sao dư luận hoang mang khi chính quyền thu hồi di tích?

Có công khai phá và tôn tạo nhiều di tích danh lam thắng cảnh tại cụm di tích Chùa Tiên (thôn Lão Ngoại, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) nhưng nhiều hộ dân tại đây đang hoang mang vì chủ trương thu hồi của UBND huyện Lạc Thủy.

Lối lên đền Mẫu Âu Cơ(Ảnh:St)

Thu hồi để lành mạnh hóa di tích

Khu di tích danh lam thắng cảnh quần thể hang động khu vực Chùa Tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích khảo cổ học quốc gia "Cột trầm tích" tại Động Tiên năm 1989.

Đến năm 2011, 16 điểm di tích trong đó có 5 điểm di tích thuộc loại hình di tích lịch sử và 11 điểm di tích danh lam thắng cảnh tiếp tục được xếp hạng là di tích Quốc gia. Trong số các di tích mới được công nhận, nhiều điểm được người dân địa phương phát hiện, có công tôn tạo, gìn giữ và làm đẹp được đông đảo khách thập phương tìm đến chiêm ngưỡng.

Ngày 5/12/2011, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định số 2347/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy. Đơn vị này được UBND huyện Lạc Thủy giao quyền quản lý các điểm di tích gồm:

Địa điểm nhà máy in tiền, 3 điểm thuộc quần thể khu du lịch Chùa Tiên xã Phú Lão gồm: Đền Trình, Đền Mẫu và Chùa Tiên. Còn lại các điểm di tích khác quản lý theo hình thức giao khoán cho các hộ.

Trong số này, có nhiều điểm di tích được giao khoán lên tới 550 triệu đồng như Động Mẫu Long, Động Tam Tòa. Trước thời điểm năm 2011, các hộ dân thực hiện hợp đồng giao khoán với UBND xã Phú Lão, sau khi Ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy được thành lập, hợp đồng giao khoán chuyển về đơn vị này. Toàn bộ tiền ngân sách trước đó và sau này đều nộp thẳng vào ngân sách của huyện Lạc Thủy.

Mới đây, ngày 12/8/2016, UBND huyện Lạc Thủy ra công văn số 524/UBND - VHTT về việc chủ trương thu hồi và giao cho Ban quản lý các khu di tích quản lý các điểm động thuộc khu danh lam thắng cảnh Quốc gia "Quần thể hang động Chùa Tiên xã Phú Lão". Các điểm động này gồm: Động Tam Tòa, Động Trung, Động Mẫu Long, Động Thủy Tiên...

Công văn này nêu rõ, do các điểm di tích khoán cho các cá nhân thu công đức và tiền giọt dầu là do cá nhân thu, công tác quản lý mang tính giao khoán. Việc đặt nhiều ban thờ, bát hương, đĩa giọt dầu, hòm công đức...đã ảnh hưởng tới tâm linh và tâm lý của người đi lễ.

Một số thủ nhang, thủ từ thiếu năng lực, thiếu tín nhiệm, có hiện tượng giả sư...Có hiện tượng "thương mại hóa" du lịch, nhiều điểm di tích danh lam thắng cảnh các cá nhân trông coi tự ý cơi nới, tu bổ lén lút dẫn đến biến dạng di tích. Với hàng loạt lý do này, UBND huyện Lạc Thủy cho rằng: "Việc giao các điểm di tích Quốc gia cho tư nhân quản lý như hiện nay là không phù hợp".

Sáng ngày 25/10/2016, trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Hào (Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy) khẳng định việc thu hồi các điểm di tích thuộc quần thể di tích danh lam thắng cảnh Chùa Tiên xã Phú Lão là chủ trương đã được thông qua của UBND, Huyện ủy Lạc Thủy. "Chúng tôi muốn thực hiện việc quản lý các điểm di tích tại đây để lành mạnh, trả lại nguyên bản giá trị của di tích".

Ông Hào khẳng định: "Chúng tôi phấn đấu đóng góp từ du lịch chiếm khoảng 30-35% cơ cấu kinh tế của huyện. Muốn vậy phải kiện toàn và tổ chức, quản lý hợp lý, trước hết là không giao cho tư nhân quản lý nữa".

Liên quan đến chủ trương và văn bản số 524 mới ban hành, ông Hào cũng cho biết thêm: "Huyện sẽ thực hiện việc ưu tiên như trích 5% tiền giọt dầu/năm cho thủ nhang, thủ từ tại các điểm di tích sau khi bị thu hồi. Sẽ tổ chức thi tuyển những người có đủ năng lực vào làm thủ nhang, thủ từ...".

Khi phóng viên hỏi các điểm động được giao khoán hàng năm thu về ngân sách thì sử dụng như thế nào? Ông Hào cho biết: "Chỉ hơn 1 tỷ thôi chứ có nhiều đâu. Chúng tôi sử dụng tiền làm đường, tôn tạo lại các di tích".

Theo tìm hiểu, việc thực hiện giao khoán giữa các hộ dân địa phương với các cấp quản lý được thực hiện từ năm 1994. Bắt đầu từ năm 2012, khi các hợp đồng giao khoán chuyển về Ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy, số tiền các điểm động nộp về ngân sách là gần 1,6 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, tính đến tháng 6/2016, nguồn thu từ khu du lịch Chùa Tiên là 10,6 tỷ đồng bao gồm tiền thu phí thắng cảnh, tiền công đức và tiền giọt dầu.

Khi được hỏi báo cáo thu chi tiền thu từ cụm di tích Chùa Tiên như thế nào, vị phó chủ tịch huyện phụ trách này cho biết: "Tôi không nắm được cụ thể, cái này do Ban quản lý các khu di tích phụ trách".

Ngay sau đó, chúng tôi có cuộc làm việc với bà Quách Thị Thanh (Trưởng ban Quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Bà Thanh cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức đối thoại vào sáng 25/10. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành di dời toàn bộ các ban thờ trong các điểm động ra ngoài, chỉ để duy nhất một ban thờ phía ngoài động. Tuy nhiên, việc thu hồi là lộ trình đến năm 2020 chứ chưa phải làm ngay", bà Thanh nói thêm.

Chúng tôi tiếp tục chất vấn việc người dân vi phạm khi tự ý cơi nới, sửa chữa các di tích nhưng không hề có văn bản xử phạt nào. Thêm nữa, Sau khi cụm di tích Chùa Tiên được công nhận di tích Quốc gia, việc sửa chữa phải có sự đồng ý của Cục di sản, việc đặt các ban thờ có từ trước thời điểm 2011 nhưng tại sao đến bây giờ UBND huyện mới xem xét và coi đó là việc làm "không lành mạnh"? Bà Thanh nói: "Đúng là không có văn bản nào xử phạt việc vi phạm tại các điểm di tích. Tôi nhận lỗi về mình trước các cấp nhưng nay thì chúng tôi kiên quyết làm".

Quang cảnh động Tiên(Ảnh:St)

Nhân dân hoang mang

Liên quan đến việc thu hồi các điểm di tích để Nhà nước quản lý, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Bùi Văn Túc (thủ từ di tích Đền Mẫu). Ông Túc cho biết, trước khi Nhà nước thu hồi và quản lý di tích này, gia đình ông đã tôn tạo, sửa chữa di tích khang trang, đẹp đẽ, là nơi thờ tự lâu đời của dòng họ nhà ông (từ năm 1742 - PV).

Tuy nhiên, khi chính quyền UBND huyện thu hồi di tích không hề có buổi tổ chức, đối thoại nào với ông và gia đình. Toàn bộ công sức, tiền bạc tu sửa di tích không được đền bù, một số người thân giúp việc cho ông Túc tại đền đều bị đuổi về, chỉ duy nhất ông Túc được phép ở lại làm thủ từ với mức lương 1.050.000 đồng/tháng. Riêng 3 tháng mùa lễ hội, mức lương được tăng lên 3 triệu đồng/tháng.

"Dù được trả lương nhưng tôi không hề nhận được bất kỳ hợp đồng lao động nào từ phía chính quyền. UBND huyện, Ban quản lý các khu di tích cử người vào đền ghi chép công đức, tiếp nhận lễ vật từ khách thập phương còn tôi chỉ là người làm thuê.

Di tích này là của gia đình tôi nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ được đại diện của chính quyền xem xét việc chi trả tiền mà gia đình chúng tôi đã bỏ ra trong quá trình tôn tạo, duy trì điểm tham quan và lễ tâm linh này", ông Túc bức xúc nói.

Để mục sở thị việc các hộ dân bỏ công sức, tiền của ra tôn tạo các điểm di tích, nhóm phóng viên đã vào Động Thủy Tiên. Ông Bùi Văn Hùng (64 tuổi, người dân thôn Lão Ngoại) dẫn đường cho biết: "Trước đây, động này chỉ là một ngách nhỏ chui vào sâu trong núi, đi phải khom người. Sau quá trình được mở mang, tôn tạo, động Thủy Tiên trở thành điểm tham quan hấp dẫn trong quần thể di tích tại đây. Khách tham quan có thể ngắm nhìn các nhũ đá nguyên bản, nhiều màu sắc lấp lánh dưới ánh điện, nhìn dòng suối chảy qua và tiếng nước róc rách vui tai. Trong hang động có đặt ban thờ để du khách thể hiện lòng thành kính với các vị thần".

Ông Hùng nói thêm: "Toàn bộ các di tích danh lam thắng cảnh tại thôn Lão Ngoại đều được tôn tạo và sửa chữa trước thời điểm được công nhận bằng di tích. Từ đó đến nay, chúng tôi muốn làm gì đều phải thông qua Ban quản lý các khu di tích. Nói chúng tôi tự ý đặt thêm ban thờ, thủ nhang không đủ năng lực hay thương mại hóa, vậy tại sao các cấp chính quyền không xử lý từ những năm 2012 mà đến bây giờ lấy lý do đó để thu hồi hàng loạt các điểm di tích?"

Trước thời điểm quần thể di tích danh lam thắng cảnh Chùa Tiên xã Phú Lão được công nhận là di tích cấp Quốc gia, ông Mầu Thanh Hiền (Trưởng thôn Lão Ngoại) cho biết: "Chính từ việc Nhà nước thu hồi các điểm di tích Đền Trình, Đền Mẫu và Chùa Tiên năm 2012 nhưng các hộ dân không được xem xét đền bù công sức đã bỏ ra nên nếu lần này UBND huyện thực hiện việc thu hồi toàn bộ các di tích còn lại, người dân có lý do để hoang mang vì cán bộ chỉ nói suông nhưng không thực hiện lời hứa trước dân".

Theo tìm hiểu, các hộ dân tại thôn Lão Ngoại đã gửi nhiều đơn thư khiếu nại lên chính quyền các cấp về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay, người dân trong thôn vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Hầu hết các hộ dân, các gia đình phụ trách các điểm động di tích trong diện thu hồi đều cho rằng, việc bỏ công sức, gìn giữ và tôn tạo các điểm di tích này đã hơn 20 năm, việc thu hồi ngoài chủ trương, chính sách còn phải xem xét việc đền bù thỏa đáng, cân bằng lợi ích vốn có từ trước đó đối với người dân, đặc biệt là các hộ dân đang nhận thầu khoán.

"Cái chúng tôi cần là sự minh bạch và xem xét quyền lợi chính đáng của mình chứ không phải nhân danh Nhà nước thu hồi được", một người dân thôn Lão Ngoại bày tỏ.

Câu chuyện pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh thông tin về vụ việc tới bạn đọc khi có diễn biến mới.

Ngọc Trìu - Ngô Chức

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/lac-thuy-hoa-binh-du-luan-hoang-mang-vi-chu-truong-thu-hoi-di-tich-cua-chinh-quyen-302212.html