Hòa bình, thách thức và tương lai

Chiến thắng của quân đội chính phủ Iraq trước tổ chức Hồi giáo cực đoan IS tại Tal Afar là bước tiến mới nhất trong chuỗi các thành tựu chống lại nhóm thánh chiến Hồi giáo này.

Chiến thắng của quân đội chính phủ Iraq trước tổ chức Hồi giáo cực đoan IS tại Tal Afar là bước tiến mới nhất trong chuỗi các thành tựu chống lại nhóm thánh chiến Hồi giáo này.

Sau chiến thắng, chính quyền Baghdad đã bắt tay vào nỗ lực hòa giải dân tộc – một dấu hiệu đáng mừng cho tương lai đất nước. Mới đây, việc chính phủ Iraq muốn làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia cũng là dấu hiệu khác cho thấy người Iraq đã học được rất nhiều từ cuộc chiến với IS, trong đó có nhận thức: xung đột giữa người Sunni và Shiite phải kết thúc.

Sự sụp đổ của các thành trì mà IS nắm giữ ở Iraq là thắng lợi quân sự lớn. Cuộc chiến kéo dài 2 năm chống lại nhóm phiến quân chiến binh cũng đánh thức các nhà lãnh đạo Iraq cần phải sửa chữa mối quan hệ giữa người Sunni và người Shiite trên toàn thế giới - chứ không phải chỉ ở Iraq. Với một động lực mới cho sự thống nhất quốc gia, Iraq giờ đây tự coi mình là trung gian hòa giải giữa các cường quốc đối địch trong khu vực, Iran và  Saudi Arabia.

Tuy nhiên, lực lượng tại Iraq vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nỗ lực mang lại một tương lai hòa bình cho người dân. Trên thực tế, chiến thắng tại Iraq không có nghĩa đánh dấu kết thúc mối đe dọa từ IS.  Bởi lẽ, IS có thể sẽ trở lại với “phương thức hoạt động ban đầu”, tấn công các khu dân cư và chợ và có thể sẽ lợi hại hơn rất nhiều. Việc thiếu phối hợp và tổ chức như hiện nay của các cơ quan an ninh Iraq khiến họ gặp khó khăn trong việc đối phó với những cuộc tấn công như vậy.

Baghdad sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với liên quân do Mỹ dẫn đầu và cần có những biện pháp “an ninh phòng ngừa các nhóm khủng bố hoạt động trong bóng tối”. Nhưng khả năng liệu liên quân có tiếp tục hoạt động tại Iraq cũng như cách thức hoạt động là một chủ đề chính trị nóng bỏng cho cả Baghdad và Washington. Việc Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hợp tác với Mỹ gây ra thế tiến thoái lưỡng nan: Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi sẽ ra sao khi đây là lực lượng chủ chốt chiến đấu chống lại IS, nhưng có đa số thành viên là các tay súng Hồi giáo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn.

Bên cạnh vấn đề phe phái, Iraq còn phải đối mặt với thách thức khác liên quan thống nhất dân tộc: cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại khu tự trị người Kurd dự kiến vào ngày 25-9 tới. Washington và các thành viên liên minh mạnh mẽ phản đối cuộc trưng cầu dân ý, cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng cuộc chiến chống IS.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_171660_ho-a-bi-nh-tha-ch-thu-c-va-tuong-lai.aspx