Hố “tử thần” thách thức các loại máy hiện đại

SGTT.VN - Chiều 14.4, tại giao lộ Hồng Bàng – Ngô Quyền (quận 5, TP.HCM), lại thêm một hố tử thần xuất hiện với đường kính hơn 40cm, khoét hàm ếch ra hai bên rất rộng.

Trước đó, chỉ riêng tháng 2.2012 đã xuất hiện hai hố tử thần, một trên đường Lý Thường Kiệt (trước cổng bệnh viện Thống Nhất, quận Tân Bình) và một tại giao lộ Pasteur – Hàn Thuyên (quận 1). Giữa tháng 3, sau cơn mưa trái mùa, một hố “tử thần” khác lộ diện trước miệng hố ga nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đối diện với UBND quận 3...

Từ tháng 2.2012, các chuyên gia của sở Giao thông vận tải TP.HCM đã dùng máy “siêu âm” georadar để “săn” hố “tử thần”. Ảnh: Tr. Quang

Từ khi hố “tử thần” bắt đầu xuất hiện ở TP.HCM đến nay đã gần hai năm. Đó cũng là thời gian các cơ quan chức năng TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, chữa trị “căn bệnh” này. Thế nhưng tới nay, dường như những giải pháp này chưa đem lại sự yên tâm cho người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng giữa năm 2010, hố “tử thần” đầu tiên xuất hiện ở TP.HCM. Thế nhưng chỉ sau vài tháng, đến cuối năm 2010, đầu năm 2011 toàn TP.HCM đã có đến 64 hố “tử thần” trên các tuyến đường, nhiều nhất là địa bàn trung tâm do khu Quản lý giao thông đô thị số 1, thuộc sở Giao thông vận tải quản lý. Đến lúc này các cơ quan chức năng mới thực sự vào cuộc.

Cụ thể, giữa tháng 12.2010, thành phố đã nhờ TS Vũ Văn Bằng, phó viện trưởng viện Công nghệ nước và môi trường dùng máy địa bức xạ rà mặt đường, truy tìm các hố “tử thần” nằm sâu trong lòng đất. Phương án này được kỳ vọng nhiều, nhưng cuối cùng đành phải thất vọng vì tỷ lệ chính xác thấp.

Phương án địa bức xạ dò tìm hố “tử thần” không thành công, ngày 15.1.2011, sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục nhờ chuyên gia đến từ Philippines dùng rađa xuyên đất dò tìm hố “tử thần” ở các tuyến đường trung tâm thành phố. Lần này cũng vậy, dù có khả quan hơn nhưng không đi đến đâu và hố “tử thần” vẫn xuất hiện.

Gần đây nhất, tháng 2.2012, khu Quản lý giao thông đô thị số 1 kiểm tra các tuyến đường nghi có hố “tử thần” tại những quận trung tâm bằng máy georadar. Để việc dò tìm hố “tử thần” sớm có kết quả, đơn vị này cử người kiểm tra trước bằng mắt thường, sau đó dùng máy georadar dò lại những vị trí nghi ngờ. Hiện khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã trang bị hai máy georadar trị giá 4,5 tỉ đồng (nhập từ Ý), trong đó một máy dùng để dò nhanh và máy còn lại dùng để dò chi tiết. Thế nhưng, danh sách hố vẫn tiếp tục dài ra.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, sở dĩ hố “tử thần” vẫn xuất hiện là do phương pháp làm không đúng ngay từ đầu nên cuối cùng “tiền mất tật mang”. Phần lớn các hố sau khi xuất hiện đã bị các cơ quan liên quan cho lấp ngay lập tức mà ít có các hoạt động điều tra, nghiên cứu, khảo sát để đánh giá nguyên nhân chính xác.

Theo phó chủ tịch thường trực hội Xây dựng TP.HCM, kỹ sư Phan Phùng Sanh, tình trạng sụt lún xảy ra là do suốt thời gian qua việc thăm dò địa chất trước khi làm đường hay tái lập mặt đường không quan tâm đúng mức. “Hiện tại gần như áp dụng theo bản đồ khảo sát từ thời Pháp, trong khi thực tế đã khác nhiều. Hơn nữa theo quy định của Nhà nước, một công trình xây dựng, kể cả cầu đường, phải khoan thăm dò nhưng rất nhiều đơn vị bỏ qua khâu này vì sợ tốn kém. Do vậy, khoan thăm dò là điều kiện đầu tiên phải đặt ra”, ông Sanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sanh, thành phố phải khắc phục nhanh tình trạng thất thoát nước, nếu không nước từ đường ống tràn ra cuốn lớp cát dưới nền đường, dẫn đến sụt lún. Bên cạnh đó phải lập lại trật tự trong công tác quản lý công trình ngầm. Bởi việc quản lý công trình ngầm tại TP.HCM còn quá kém, dẫn đến việc thi công công trình này đụng phải công trình ngầm khác.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/163015/ho-%e2%80%9ctu-than%e2%80%9d-thach-thuc-cac-loai-may-hien-dai.html