Hỗ trợ ngư dân

Sau sự cố môi trường đối với biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương các tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, tới thời điểm này, khu vực biển ở đây vẫn chưa thể lấy lại sự bình yên, cuộc sống của ngư dân cũng như người dân trong vùng vẫn gặp khó khăn. Bao giờ hết cảnh đìu hiu? Bao giờ thịnh vượng trở lại? Đó là câu hỏi rất cần được trả lời trong thời gian sớm nhất.

Bãi Đá Nhảy (Quảng Bình) những ngày yên ả.

Không thể phủ nhận sau khi sự cố môi trường đối với 4 tỉnh Bắc Trung bộ, Chính phủ và chính quyền địa phương đã sát cánh cùng ngư dân, chia sẻ với những gì bà con đang phải đối diện. Forrmosa cũng đã phải cúi đầu nhận lỗi; đã phải chấp nhận đền bù 15.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hậu họa trước mắt cũng như di hại lâu dài là điều cần phải được nhìn nhận kĩ lưỡng. Trong việc hỗ trợ ngư dân, với trọng trách của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như nhiều bộ, ngành khác đã tham mưu với Chính phủ để ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân ven biển. Trong đó có việc hỗ trợ để bà con chuyển đổi nghề, chính sách về khôi phục môi trường và các chính sách về tạo việc làm cho ngư dân, giúp ngư dân ổn định cuộc sống, không chỉ trước mắt mà là lâu dài. Nói như Thứ trưởng Bộ này- ông Vũ Văn Tám thì “hy vọng với chính sách chuyển đổi nghề cũng như giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống sẽ đáp ứng được mong đợi của ngư dân 4 tỉnh Bắc Trung bộ”.

Cụ thể hơn, Bộ NNPTNT đề xuất đối với tàu công suất dưới 90CV sẽ được hưởng chính sách như trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đóng tàu khai thác xa bờ. Có nghĩa là ngư dân được vay vốn ưu đãi đóng tàu, khôi phục sản xuất. Đáng chú ý, trong đó có chủ trương nếu ngư dân không đi khai thác thì sẽ làm những nghề phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập; trong đó cố gắng mỗi hộ gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động. Về chính sách hỗ trợ gạo trong 1,5 tháng- sau đó đã được nâng lên thành 6 tháng, mở rộng sang cả diêm dân chứ không chỉ ngư dân. Đồng thời chính sách thu mua tạm trữ hải sản được kéo từ 1 tháng lên 2 tháng.

Cũng cần nhắc lại, tình trạng cá chết tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế đã ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm giảm 16.000 tấn; Quảng Bình giảm 23.600 tấn; Quảng Trị giảm 16.000 tấn và Thừa Thiên - Huế giảm 13.300 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng, cũng không thể phủ nhận, không thể làm ngơ với việc cho tới nay tình hình tại 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ vẫn căng thẳng, thể hiện trên nhiều mặt. Trước hết, đó là việc ngư dân chưa yên tâm ra khơi. Đó là do khi khai thác được cá, thì bán ở đâu, do người tiêu dùng vẫn lo sợ cá bị nhiễm độc. Mới đây, kết luận của cơ quan chức năng cho biết biển ở khu vực này đã tắm được, đó cũng là dấu hiệu tốt. Nhưng, quan trọng hơn, đó là cá đã ăn được chưa thì câu trả lời phải đợi thêm sau khi có kết luận đưa ra từ Bộ Y tế. Có nghĩa là ngư dân vẫn phải đợi, chưa thể an tâm ra biển đánh bắt cá. Do đó, ngư dân thiết tha mong mỏi cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận, để họ thoát ra khỏi tình trạng ra biển cũng dở mà ngồi bờ cũng không xong.

Biển Bắc Trung bộ đẹp, nên thơ, du lịch mấy năm gần đây phát triển, nhưng kể từ sự cố môi trường thì người các nơi khác ít dám tới. Bãi biển Thiên Cầm, Đá Nhảy, Nhật Lệ..., cho đến Cửa Tùng, Cửa Việt, Thuận An, Lăng Cô hè này vắng khách. Nhà nghỉ đìu hiu. Cá tôm không bán được. Những dịch vụ “ăn theo” du lịch vì thế cũng thất bát. Cùng đó, những doanh nghiệp nghề biển cũng chung số phận. Tình cảnh này lan sang cả diêm dân- những người làm muối cũng gặp khó khăn. Không ai muốn trông chờ vào hỗ trợ, bởi lẽ điều đó tuy cần thiết nhưng không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Người dân muốn an cư lạc nghiệp, muốn được bình an mưu sinh trên vùng đất, vùng biển quê hương mình.

Từ đó có thể thấy, việc hỗ trợ để bà con chuyển đổi nghề cũng rất cần có cái nhìn thực tế, sâu sắc và lâu bền hơn. Cả triệu người ở Bắc Trung bộ sống nhờ vào biển, bám biển nhiều đời nay không dễ gì chuyển đổi sang làm nghề khác, hoặc chuyển đi nơi khác. Vì đó là mảnh đất gắn bó từ trong ký ức, là nơi nuôi sống họ và gia đình từ đời này sang đời khác. Tâm sự của không ít hộ ngư dân là rất đáng suy nghĩ. Họ nói rằng, cha mẹ vất vả làm ăn, chấp nhận cả hiểm nguy nơi muôn trùng con nước là để lo miếng ăn hàng ngày, cuộc sống bớt nhọc nhằn; nhưng xa hơn là ước vọng con cái mình không phải đánh cược cuộc đời trên biển. Nhưng, đó phải là thuận theo lẽ tự nhiên, chứ không phải do môi trường bị ô nhiễm mà đành phải chuyển nghề, bỏ quê. Biết làm gì đây khi vốn liếng không có, quan hệ không có, kĩ năng không có... Không chỉ ít ngày học một nghề mới để rồi “sang ngang”, mà điều đó phải được chuẩn bị lâu dài. Không ai muốn “ly quê” lẫn “ly nghề”, khi mà biển quê hương, cái nghề cha truyền con nối vẫn cho họ cuộc sống yên lành. Không ai muốn biển quê hương mình bị ô nhiễm, bị đầu độc để được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ cho những con người gặp hạn ở biển Bắc Trung bộ rất cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Tới nay đã có thể nói là “hậu sự cố môi trường” chưa? Tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người, nhưng một điều chắc chắn rằng tác hại do Fomosa đối với biển Bắc Trung bộ còn kéo dài. Nó không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội với những hệ lụy khó lường.

Báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài về hậu ô nhiễm môi trường vùng biển này. Đó không chỉ là sự phản ảnh những gì “tai nghe mắt thấy”, mà còn là tấm lòng của những người làm báo chia sẻ, sát cánh cùng bà con. Và cũng là hy vọng: hy vọng biển Bắc miền Trung sẽ xanh trong trở lại, bà con sẽ lại được sống trong an lành chính ở nơi những cồn cát trắng trải dài, những ngày hè chang chang nắng, làn nước biển trong xanh và những hàng dương rì rào đêm ngày nghe gió hát....

Cả triệu người ở Bắc Trung bộ sống nhờ vào biển, bám biển nhiều đời nay không dễ gì chuyển đổi sang làm nghề khác, hoặc chuyển đi nơi khác. Vì đó là mảnh đất gắn bó từ trong ký ức, là nơi nuôi sống họ và gia đình từ đời này sang đời khác. Cha mẹ vất vả làm ăn, chấp nhận cả hiểm nguy nơi muôn trùng con nước là để lo miếng ăn hàng ngày, cuộc sống bớt nhọc nhằn; nhưng xa hơn là ước vọng con cái mình không phải đánh cược cuộc đời trên biển. Nhưng, đó phải là thuận theo lẽ tự nhiên, chứ không phải do môi trường bị ô nhiễm mà đành phải chuyển nghề, bỏ quê. Không ai muốn biển quê hương mình bị ô nhiễm, bị đầu độc để được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ cho những con người gặp hạn ở biển Bắc Trung bộ rất cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/ho-tro-ngu-dan/117834