Hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập: Cần thay đổi tư duy

(HQ Online)- Với việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), không gian chính sách cho doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, công nghiệp không còn nhiều.

Các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực nhiều hơn khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước bị thu hẹp dần. Ảnh: H.Dịu

Tại Hội thảo Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa: Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ được Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 6-10, các chuyên gia tham dự đều đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi hội nhập, trong đó có việc bị thu hẹp dần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, không gian chính sách là những biện pháp còn lại để chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển kinh doanh. Nhưng với các cam kết từ WTO cho đến FTA thế hệ mới, không gian này đang bị hẹp đi rất nhiều.

Ví dụ như ngành gỗ, Nhà nước không thể trợ cấp cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ, các biện pháp hỗ trợ không được mang lại lợi ích tài chính cho doanh nghiệp gỗ, chỉ có thể trợ cấp chung cho nhiều nhóm đối tượng theo tiêu chí khách quan…

Còn với ngành bán lẻ, mặc dù vẫn chưa có nhiều hạn chế về biện pháp hỗ trợ. Nhưng trong Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các biện pháp bảo vệ nhà bán lẻ trong nước trước các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ không còn. Trong TPP có thể còn được tiếp tục sử dụng nhưng chỉ trong thời gian 5 năm sau ngày TPP có hiệu lực.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, sau hội nhập, các không gian chính sách thay đổi rất nhiều, thay đổi về chất. Rất nhiều công cụ chính sách mà trước kia dùng để bảo hộ, để hỗ trợ DN thì bây giờ phải cắt giảm hoặc thậm chí là loại bỏ. Không phải chỉ những chính sách trên đường biên giới như thuế quan, hàng rào phi thuế quan mà rất nhiều chính sách và điều tiết trong lòng đất nước cũng phải theo chuẩn mực, mà nguyên tắc cao nhất là nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng.

Chính sách hỗ trợ ngày càng khó khăn nhưng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn nên nhu cầu được hỗ trợ của doanh nghiệp vẫn rất lớn.

Vì thế, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc hỗ trợ phải có thêm những phương thức nhất định, phù hợp với quy định trong FTA, chứ không phải nói hỗ trợ là hỗ trợ bằng mọi giá, điều này sẽ phá vỡ cục diện cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Ở những nước phát triển, các doanh nghiệp vẫn được hỗ trợ, vì đây là công cụ hợp pháp để phát triển.

Do đó, theo TS. Nguyễn Trí Thành, Nhà nước phải thay đổi tư duy hỗ trợ, phần lớn những chính sách mà có tác động lan tỏa tốt, vẫn có thể làm. Ví dụ như phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp thông tin, đào tạo, hỗ trợ phát triển… Nhưng tất cả vẫn phải theo nguyên tắc là phải mang tác động lan tỏa rất tích cực chung cho nền kinh tế, ít gây méo mó cho thị trường.

Hơn nữa, Nhà nước phải thay đổi cách hành xử, cách ứng xử cho cả người dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là tác động rất tích cực, đặc biệt đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội nhập thì bộ máy cần tinh gọn hơn, minh bạch hơn, cắt giảm được nhiều chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ho-tro-doanh-nghiep-trong-hoi-nhap-can-thay-doi-tu-duy.aspx