Hỗ trợ DNNVV: cần giải pháp thực tế, khả thi

Hôm nay, 29-4, Chính phủ tổ chức gặp gỡ với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Thông điệp chính của cuộc gặp là Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đa số các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh mới. Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ họ?

Trong các hoạt động hỗ trợ, việc cung cấp thông tin thị trường và phát triển thị trường cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Trong ảnh: Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tại một siêu thị. Ảnh: THÀNH HOA

Sau nhiều lần góp ý bằng nhiều hình thức ở nhiều diễn đàn khác nhau, ở đây tôi chỉ đề cập những vấn đề và giải pháp khả thi từ thực tế. Nghĩa là, nhắm có thể làm được, không cần tốn kém tiền bạc nhiều của Nhà nước.

Một đặc điểm hết sức quan trọng của giai đoạn hội nhập mới từ 2016 trở đi: đây là thời kỳ cạnh tranh sống còn của thể chế, của hành chính công, của trình độ và hiệu quả quản lý nhà nước, chứ không phải chỉ là cuộc canh tranh sống còn của doanh nghiệp.

Cạnh tranh thể chế, cạnh tranh về quản lý nhà nước

Với tinh thần mới đó, mỗi cơ quan công quyền sẽ phải quán triệt là họ không còn có thể an nhàn, bỏ mặc doanh nghiệp sống chết ra sao cũng được nữa. Khi đó, viên chức sẽ biết ngay những gì họ cần làm.
Một việc đã chuẩn bị từ lâu nay có thể thực thi ngay là dẹp bỏ các giấy phép con, các văn bản dưới luật chồng chéo hay phản tinh thần luật. Bộ Tư pháp và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những nghiên cứu đủ sâu mà Thủ tướng cần đưa ra lộ trình, chỉ đạo và kiểm soát thực thi (giao cho các bộ sẽ khó vì đây chính là “tác phẩm” của họ).

Bên cạnh đó, nên tổ chức tổng hợp kiến thức, nội dung các đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà hầu như nước nào cũng có: Mỹ, Nhật, Đài Loan, Thái Lan... Đối với các nước ASEAN, cần nghiên cứu sâu về các chính sách “gia tăng sức mạnh” cho DNNVV của họ, vì chính những chính sách này cũng nhằm vào nước mình trong cuộc cạnh tranh trực diện hiện nay. Nhiều cách làm hay của họ không có quy định trong luật, hệ thống tham tán thương mại của mình phải tìm hiểu và nắm được, tham mưu cho Chính phủ. Đây là cuộc chiến cân não mà nếu Chính phủ mình không nắm thì doanh nghiệp trong nước chịu thiệt thòi, thậm chí thành “mồi ngon” cho các vụ kiện, tranh chấp chỉ vì không nắm luật.

Thiếu thốn nặng kiến thức hội nhập

Theo dõi sát tình hình doanh nghiệp đang trải qua cuộc cạnh tranh hiện nay, điều đáng lo là doanh nghiệp chưa hiểu sâu về tác dụng của các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết.

Từ lâu, tôi nhận thấy, trong hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam, có ba hoạt động rất cần làm mà không cần phải đầu tư nhiều tiền bạc là thông tin, kết nối và huấn luyện tại chỗ. Cung cấp thông tin về luật pháp kinh doanh, nội dung cần biết trong các hiệp ước thương mại tự do mới, thông tin thị trường... Kết nối họ thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kể cả để cùng khai thác các cơ hội. Nên tổ chức chuyên gia (có thực tiễn) hay các nhà quản lý các doanh nghiệp lớn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn kinh doanh.

Doanh nghiệp trông đợi Chính phủ thể hiện sự kiên quyết thực thi pháp luật
kinh doanh đã ban hành.

Thay đổi về công tác quản lý hay xúc tiến thương mại của Nhà nước

Cơ quan quản lý liên quan đến doanh nghiệp nên có quy định làm tốt công tác giám sát và hậu kiểm. Ví dụ, chấp nhận đăng ký tổ chức hội chợ (thay cho cấp phép) thì phải kiểm tra việc thực hiện có đúng như đăng ký, nhất là khi dư luận báo chí đã phát hiện và đăng tin các sai trái (mà cơ quan quản lý cứ làm ngơ, mặc sự tái phạm).

Nghiêm cấm cơ quan quản lý kinh doanh, doanh nghiệp “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Điều này khó và thực sự đang thách thức uy tín Nhà nước. Nhưng tại sao các nước tư bản đều làm được? Song song đó, cần tạo điều kiện cho các tổ chức tư nhân phát triển và cạnh tranh cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chừng nào chưa làm được cơ chế này thì đừng trao tiền của Nhà nước cho các cơ quan này nữa.

Nên củng cố lại cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” vì thực hiện một hồi nay đang đi vào hình thức và bị lợi dụng nhiều. Hãy chú ý đến việc các hợp đồng hợp tác - hỗ trợ truyền thông của các công ty lớn với báo chí đang “thương mại hóa” báo chí theo hướng bất chấp quyền được thông tin khách quan trung thực và vô hiệu hóa vai trò bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng của báo chí.

Trong các hoạt động của cuộc vận động này, hoạt động cung cấp thông tin thị trường và phát triển thị trường cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Cung cấp thông tin thị trường theo ngành, địa phương có thể tổ chức được. Đưa hàng Việt về nông thôn, xét tương quan thực tế tình hình thị trường hiện nay là thực sự giúp doanh nghiệp Việt quy mô nhỏ củng cố căn cứ địa khi mà họ phải buông tay không cạnh tranh nổi trong hệ thống siêu thị ở các đô thị lớn. Nhưng rất tiếc, việc này hiện nay đang thành... đưa hàng Trung Quốc thấp cấp và hàng dỏm, giả về nông thôn.

Hoạt động xúc tiến thương mại cần phải tổ chức lại. Các cơ quan xúc tiến của Nhà nước đừng tổ chức hội chợ, đi nghiên cứu thị trường nữa mà phải làm tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp chọn hội chợ quốc tế có ích và hướng dẫn họ đi hội chợ cách nào hiệu quả nhất.

Cần tạo điều kiện phát huy các tổ chức xúc tiến thương mại tư nhân và Nhà nước, cho đấu thầu để doanh nghiệp chọn lựa dịch vụ phù hợp. Việc hỗ trợ cũng không nên bao cấp mà nên có hợp tác công - tư. Mức độ tỷ lệ tùy khả năng người thụ hưởng nhưng không nên miễn phí.

Một thách thức nữa, chỉ có nhúng mình trong thực tế mới biết nó “tệ” cỡ nào là nạn mua bán danh hiệu giả. Việc kinh doanh bằng quan hệ này đang thành một... ngành kinh doanh, cần phải bị loại bỏ.

Hai vấn đề lớn nữa là khởi nghiệp và hội doanh nghiệp. Chuyện khởi nghiệp bây giờ có nguy cơ thành phong trào bạo phát sớm tàn. Cần phải nhất quán về chủ trương, có hệ thống chính sách của Nhà nước đủ mạnh để đặt nền tảng hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp. Khởi nghiệp không thể tách rời phát triển DNNVV. Hoạt động của hội doanh nghiệp, nói như ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may, tại hội thảo về “Dệt may và TPP” mới đây, là ở Việt Nam rất hiếm có hiệp hội doanh nghiệp nào tồn tại nổi nếu không có một doanh nghiệp lớn bảo trợ. Vấn đề này cũng phải coi lại căn cơ từ việc dự thảo Luật về Hội đã mười mấy lần trình nhưng chưa được thông qua cho đến cách lập hội, thực chất hoạt động. Hội không mạnh thì mình mất một vũ khí bảo vệ doanh nghiệp. Lại cần quay lại vấn đề hội của ai và cho ai...

PGS.TS. Võ Trí Hảo: Rà soát các bài thuốc miễn phí, giá rẻ trước

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) cần nhiều thứ. Nhưng trước khi nói đến hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tài chính - vốn cần rất nhiều tiền thuế của dân - thì cần phải rà soát xem DNNVV đang bị rào cản pháp lý nào. Nếu không dỡ bỏ rào cản pháp lý thì hiệu quả hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế giảm tác dụng, thậm chí vô nghĩa.

Trước hết, DNNVV gặp rào cản gia nhập thị trường bởi các điều kiện kinh doanh, quy hoạch... thường được cơ quan nhà nước đưa ra theo đề xuất của các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực vận động (lobby) chính sách. Bằng cách nâng ngưỡng (threshold) gia nhập thị trường lên cao, các doanh nghiệp lớn đã loại bỏ sự cạnh tranh của các DNNVV và DNNVV trong trường hợp này bị biến thành doanh nghiệp gia công, thầu phụ, làm thuê cho doanh nghiệp lớn. Bài viết Hạt gạo vướng nút thắt Nghị định 109/2010 trên TBKTSG là một ví dụ minh họa cho tình cảnh này.

Thứ hai, chi phí thực tế của một số loại giấy phép, giấy phép con rất lớn, quá ngưỡng đầu tư của DNNVV. Tôi nhấn mạnh, là chi phí thực tế, bao gồm cả chi phí cho “cò dịch vụ”, chứ không phải là chi phí theo quy định nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với doanh nghiệp lớn, thì chi phí này chiếm tỷ trọng nhỏ so với quy mô vốn của họ, nên họ dễ dàng chấp nhận, vượt qua.

Thứ ba, trong cuộc đấu tranh giành sự đối xử bình đẳng với doanh nghiệp lớn, từng DNNVV đơn lẻ khó lòng giành chiến thắng; họ cần phải liên kết lại trong hiệp hội. Hiệp hội hiện nay đã có, nhưng tất cả đều hoạt động theo nguyên tắc độc quyền; mỗi lĩnh vực ở Việt Nam chỉ được phép thành lập một hội duy nhất. Hiện tượng hội độc quyền này làm cho DNNVV không có lựa chọn khác, nếu như DNNVV không hài lòng với hiệu quả hoạt động của hiệp hội.

Như vậy, trước khi tính đến các bài thuốc tốn tiền, đắt tiền, thì cần rà soát các bài thuốc miễn phí, giá rẻ, hiệu quả cao đã được sử dụng hay chưa.

Những bức xúc không mới gửi Thủ tướng

TBKTSG lược thuật những khó khăn, bức xúc của các doanh nghiệp hiện nay, từ những văn bản tổng hợp gửi về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chuẩn bị cho cuộc đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp vào hôm nay 29-4.

1. Tiếp cận vốn vẫn khó khăn

Hội doanh nghiệp quận Hải An, Hải Phòng cho biết, khảo sát của đơn vị này cho thấy, nếu như 76% số doanh nghiệp lớn vay được vốn từ ngân hàng thì tỷ lệ này chỉ là 60% đối với doanh nghiệp nhỏ và 38% với doanh nghiệp siêu nhỏ.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết quy định doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm không được thế chấp đất đai để vay vốn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định kiến nghị cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được vay ngoại tệ như các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị cho cả doanh nghiệp tư nhân vay vốn ODA thay vì chỉ cho doanh nghiệp nhà nước vay nguồn vốn này.

2. Đất đai vẫn là điểm nghẽn

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh phản ánh, giá thuê đất của nhiều doanh nghiệp đã tăng năm lần trong vòng năm năm qua.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho rằng giá thuê đất quá cao và đề nghị việc tăng giá thuê đất cần có mức trần không vượt quá hai lần so với giá 2010.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang kiến nghị cần xem xét lại vấn đề quy định hạn điền vì quy định hiện nay không khuyến khích sản xuất lớn, nhất là trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

3. Gánh nặng phí giao thông, lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội

Nhiều doanh nghiệp phản ánh phí đường bộ hiện nay quá cao. Đề nghị phải công khai thông tin chi phí đầu tư mỗi ki lô mét đường, nhà đầu tư được thu phí bao nhiêu năm, giá cước thu phí cụ thể...
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh việc tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phản ánh, việc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tới 22% lương là quá cao so với các nước trong khối ASEAN. Malaysia chỉ thu 15%, Thái Lan 5%.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang đề nghị giảm phí công đoàn từ 2% lương xuống còn 1%.

4. Áp lực thanh kiểm tra và rào cản thủ tục hành chính

Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì phải tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra hàng năm. Thậm chí có doanh nghiệp tiếp tới 4-5 đoàn thanh tra một tháng, có doanh nghiệp vừa mới thanh tra cuối năm 2014, có kết luận trong năm 2015 thì năm 2016 lại có quyết định thanh tra tiếp.

Việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp còn khó khăn và phức tạp. Việc xử phạt do nợ thuế không bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân

Hệ thống thuế kết nối chậm (do hệ thống thanh toán của kho bạc) trong khi doanh nghiệp phải nộp thuế xong mới có thể lấy hàng từ cảng.

Chính sách thuế mới đối với hộ kinh doanh (tính theo % doanh thu) chưa phù hợp. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp truyền thống, làng nghề gặp khó khăn vì nộp thuế cao hơn mức khoán trước đây.

Tư Giang tổng hợp

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/145596/ho-tro-dnnvv-can-giai-phap-thuc-te-kha-thi.html/