Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Ngắm vào nhóm tiềm năng

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật hỗ trợ DNNVV, cần ưu tiên chọn lựa hỗ trợ nhóm doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày về dự án Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về chính sách và tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV .

Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, hiệu lực thực thi của Nghị định 56 chưa cao, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV còn chậm; nội dung nhiều chương trình trợ giúp DNNVV mang tính chất phát triển ngành, còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau làm cho các DNNVV chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi; cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ DNNVV giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa hiệu quả; cơ chế báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ…Nguyên nhân chính là do Nghị định 56 có tầm hiệu lực thực thi và điều phối thấp, việc luật hóa sẽ góp phần khắc phục hạn chế này.

Vì vậy, để giải quyết những hạn chế nêu trên và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời học tập kinh nghiệm của các nước trong hỗ trợ DNNVV, theo Bộ trưởng, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu và giúp khu vực DNNVV phát huy tốt nhất vai trò của mình trong nền kinh tế.

Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 6 chương với 45 điều, trong đó có chương về quy định về nội dung hỗ trợ hỗ trợ cơ bản cho DNNVV, bao gồm: gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật hỗ trợ DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật hỗ trợ DNNVV.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện đã có rất nhiều luật, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ DNNVV, nhưng do còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể (ví dụ điều 19 Luật đầu tư năm 2014), tổ chức thực hiện chưa tốt nên việc hỗ trợ DNNVV không có hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, điều cốt lõi nhất là tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV với doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng chứ không nên cắt khúc, hỗ trợ riêng cho DNNVV.

Những hạn chế nêu trong Tờ trình của Chính phủ chưa đủ là lý do để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2009/NĐ-CP, bổ sung quy định của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 hoặc sử dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật về những nội dung vướng mắc, bất cập. Việc ban hành một luật chung trong khi một số luật khác vẫn có quy định hỗ trợ DNNVV có thể gây ra trùng lặp, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Mặt khác, nhiều nội dung, hình thức, chương trình hỗ trợ DNNVV quy định trong dự thảo Luật được xây dựng từ những kinh nghiệm, sáng kiến của các nước, chưa có điều kiện kiểm nghiệm, áp dụng thực tiễn ở Việt Nam.

Vì vậy, chưa thể khẳng định tính khả thi của những nội dung hỗ trợ DNNVV trong dự thảo Luật. Dự thảo Luật còn giao Chính phủ hướng dẫn quá nhiều nội dung.

Về đối tượng áp dụng,có ý kiến cho rằng đối tượng áp dụng như quy định của dự thảo Luật là quá rộng (khoảng 97,9% là DNNVV). Xét nguồn lực hiện nay của Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ tất cả, do đó, dự thảo Luật cần ưu tiên chọn lựa hỗ trợ nhóm doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo Thẩm tra cũng cho biết, Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình với quan điểm chuyển phương thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các DNNVV sang chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và tránh vi phạm cam kết quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp để đối tượng DNNVV được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Về nguồn vốn hỗ trợ DNNVV, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định chung về vấn đề hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, như vậy việc hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào tình hình cân đối ngân sách nhà nước hằng năm, chưa tạo ra tính định hướng, ổn định trong trung và dài hạn; việc huy động nguồn vốn xã hội cũng chỉ mang khuyến khích nên tính khả thi chưa rõ ràng. Hỗ trợ DNNVV là một vấn đề lớn, cấp thiết và lâu dài, thiếu nguồn lực khó có thể thực hiện được. Đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trong dự thảo Luật về nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách để có cơ sở bổ sung một dòng ngân sách hỗ trợ cho DNNVV. Tuy nhiên, cần rà soát, tránh mâu thuẫn với Luật ngân sách nhà nước.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, bên cạnh các quy định về ưu đãi, hỗ trợ, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng, nghiêm minh, đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe khi tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện không đúng quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV.

Việc ban hành Luật hỗ trợ DNNVV là cần thiết và quan trọng nhưng chưa đủ để tạo thuận lợi thực sự hỗ trợ DNNVV phát triển. Đề nghị bên cạnh Luật hỗ trợ DNNVV, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính một cách thực chất, rà soát loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và công dân./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/du-thao-luat-ho-tro-dnnvv-can-uu-tien-nhom-doanh-nghiep-co-tiem-nang-218132.html