Hỗ trợ công nhân khi sản xuất khó khăn là trách nhiệm của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất theo đơn hàng hoặc sản xuất hàng hóa bán theo mùa, tình trạng thiếu việc cho người lao động (NLĐ) làm vẫn thường xuyên xảy ra khi DN thiếu đơn hàng hoặc qua mùa. Để giữ chân NLĐ, các DN đều có phương án chăm lo, hỗ trợ đời sống cho NLĐ. Theo chia sẻ của một số chủ DN “hỗ trợ cho NLĐ khi sản xuất khó khăn chính là trách nhiệm mà mỗi DN phải làm”.

Thông báo sốc cho một chuyện không sốc!

Vừa qua, trên trang facebook cá nhân Duy Loi được cho là của giám đốc của Cty TNHH Sản xuất Duy Lợi (TPHCM) tiếp tục đăng tải thông báo nội bộ mới về việc “Hỗ trợ công nhân khi thiếu việc làm” với dòng trạng thái “Bổ sung, điều chỉnh thông báo “Dù thiếu việc làm thì công ty Duy Lợi vẫn lo cho nhân viên ăn...chơi hay ăn...nhậu đầy đủ!”. Theo thông báo này thì “Do cuối năm là mùa bán hàng chậm nên thiếu việc làm cho nhân viên, vì vậy Cty tự nguyện hỗ trợ công nhân viên làm việc tốt thiếu việc làm trong năm 2016 là 100.000 đồng/ngày thiếu việc làm”. Số tiền hỗ trợ thiếu việc làm năm 2016 sẽ được công ty chi trả vào tháng 5.2017 là thời gian Cty bắt đầu bán được hàng.

Đáng nói, trong Thông báo còn liệt kê các khoản mà NLĐ có thể dùng số tiền này như tiền ăn các buổi sáng, trưa, chiều hoặc dùng để nuôi bồ nhí, “đi khách sạn”. Bên cạnh hỗ trợ tiền thiếu việc, những nhân viên bị yếu sinh lý sẽ được hỗ trợ thực phẩm chức năng bổ sung hỗ trợ…. Trước đó, ngày 30.9, trên mạng xã hội cũng xuất hiện Thông báo với nội dung tương tự (chưa được điều chỉnh), thông báo ngày chi trả là ngày làm việc đầu tiên của năm 2018. Trả lời báo chí, ông Lâm Tấn Lợi – Giám đốc Cty TNHH Sản xuất Duy Lợi xác nhận các Thông báo đó chính là của mình.

Khi thông báo này được chia sẻ lên mạng xã hội Facebook, không ít ý kiến cho rằng, vị lãnh đạo Cty đang gây sự chú ý, PR trá hình, đây là ông chủ “hóm hỉnh”, văn bản nội bộ nên vị giám đốc này có thể thể hiện tùy vào ý muốn của mình… Theo các chuyên gia về lao động, tiền lương, việc hỗ trợ cho NLĐ khi DN gặp khó khăn khi sản xuất là chuyện DN đương nhiên phải làm. Đó không chỉ là trách nhiệm của người làm chủ mà đó là còn là cách để DN giữ chân NLĐ gắn bó với DN!

“Một chuyện rất bình thường đã được thể hiện qua một thông báo gây sốc. Chưa kể, nếu trong thời gian thiếu việc làm, NLĐ ở Cty chỉ nhận được 100.000 đồng/ngày là thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, NLĐ khó mà sống được, đừng nói đến chuyện đi nhà nghỉ như thông báo hướng dẫn” – một chuyên gia lao động nhận xét.

Sản xuất khó khăn, vẫn đảm bảo thu nhập cho công nhân!

Không gây sốc, không ồn ào nhưng nhiều DN khi khó khăn trong sản xuất như thiếu đơn hàng, hàng hóa không bán được vẫn đảm bảo thu nhập cho NLĐ, dù phải chịu lỗ.

Đầu năm là khoảng thời gian khó khăn đối với Cty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, TPHCM) do đặc thù sản xuất đồ hộp, đầu năm thường rất ít đơn hàng, CN đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập vì có thể sẽ làm việc cầm chừng. Ông Đinh Văn Giai – Chủ tịch CĐ Cty Toàn Thắng, chia sẻ: Nếu thực hiện phương án, đơn hàng tới đâu, CN làm tới đó thì thu nhập của CN sẽ giảm, ban giám đốc quyết định vẫn thu mua nguyên liệu, để CN làm hàng dự trữ, vẫn duy trì tăng ca, thưởng năng suất cho CN. “Có lúc kho hàng của Cty đầy, DN phải chịu lỗ nhưng ban giám đốc tâm niệm, sau lưng CN còn là gia đình, học hành của con cái. Nếu giảm thu nhập, bản thân mỗi CN có thể sống được nhưng còn gia đình thì sao, cho nên dù DN chịu lỗ, vẫn làm” – ông Giai nói.

Ông Nguyễn Đức Thuận, giám đốc Cty may thêu Đức Thuận (Bình Dương), chia sẻ: Đối với những DN may, thời điểm giữa năm rất ít đơn hàng, để giữ chân được NLĐ, đặc biệt là những CN có tay nghề, nếu không có đơn hàng, Cty vẫn phải duy trì được lương cơ bản hoặc ít nhất là bằng lương tối thiểu vùng của nhà nước, nghĩa là không thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng để NLĐ duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, khi Cty có đơn hàng thì Cty sẽ có rất nhiều chính sách khen thưởng, động viên NLĐ, bù cho giai đoạn khó khăn.

“Khi có hàng, ban giám đốc chủ động đi tìm đối tác cung cấp. Nếu có đơn hàng nào đó, mình sẽ rất chủ động vì hàng mình đã có sẵn. Làm cách này sẽ vất vả cho ban giám đốc và phòng kinh doanh nhưng bù lại NLĐ vẫn đảm bảo thu nhập, yên tâm gắn bó với mình. Có nhiều cách để DN và NLĐ cùng nhau vượt qua khó khăn, quan trọng là chủ DN lựa chọn cách dễ hay khó và có nghĩ đến NLĐ không mới quan trọng” – ông Đinh Văn Giai chia sẻ.

LÊ AN NHIÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-viec-lam/ho-tro-cong-nhan-khi-san-xuat-kho-khan-la-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-600904.bld