Hồ tiêu Việt 'ngậm đắng, nuốt cay'

Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam liên tục bị đối tác tìm mọi cách thao túng giá, nói cách khác, doanh nghiệp Việt chưa làm chủ trong cuộc chơi này.

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay. Ngày 28/7, giá tiêu xô loại 500g/l trong buổi sáng đang từ 80.000 đồng/kg vụt tăng lên 86.000 đồng/kg, sau đó đầu giờ chiều đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tiêu vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.

“Người ngoài” thao túng giá

Theo phản ánh của một số DN hội viên VPA, có bằng chứng cho thấy một nhóm DN Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu của Việt Nam những ngày này. Cụ thể, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm DN Trung Quốc đến DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đặt mua hồ tiêu.

Điều bất thường là DN Việt Nam đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán với họ. Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty xuất khẩu và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng.

Theo thông lệ, thường sau ba ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn ba ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định nhất định sẽ mua, giải thích lý do chậm chuyển tiền là vì ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ để trì hoãn thực hiện hợp đồng.

Việc làm này của họ với nhiều công ty xuất khẩu tạo tín hiệu thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn. Cùng lúc, vì biết các DN xuất khẩu sẽ gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký với họ nên cũng chính nhóm DN Trung Quốc này liền tỏa đi giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu tại những địa phương trồng hồ tiêu và hứa sẽ bán cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó. Các đại lý này thấy lời cao nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhóm DN Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý theo giá cao của họ.

Lúc này, vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu với họ, họ sẽ bán hồ tiêu của họ ra cho các đại lý với giá tăng nóng mà họ đặt ra.

DN xuất khẩu mải lo thực hiện hợp đồng với nhóm DN Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác, vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín làm ăn với các DN nhập khẩu ở những thị trường truyền thống.

Đây không phải lần đầu tiên VPA đưa ra lời cảnh báo về việc một số nhà nhập khẩu nước ngoài phá hợp đồng với các DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Đầu năm nay, VPA đã cảnh báo một số DN hội viên VPA về thông tin một số nhà nhập khẩu nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng việc phá hợp đồng đối với một số DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Cụ thể là trường hợp của một công ty hội viên VPA. Công ty này có ký hợp đồng bán 75 tấn hạt tiêu đen loại 500g/l FAQ cho công ty Ankit General Trading LLC với giá 5.850 USD/tấn, giao theo điều kiện CNF tại cảng Jebel Ali. Sau đó, công ty này thông báo hủy hợp đồng với lý do công ty xuất khẩu của Việt Nam xù hợp đồng đã ký với khách trong năm 2015.

Giá trị sụt giảm

Điều này cho thấy, các DN xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chưa nắm thế chủ động trong giao dịch xuất khẩu với các đối tác, khiến cho giá hồ tiêu sụt giảm.

Còn nguyên nhân sâu xa khiến các DN nước ngoài ép giá hồ tiêu Việt Nam vì có một số tin đồn Việt Nam được mùa hồ tiêu trong niên vụ 2016 – 2017 xuất hiện cuối năm 2016, khiến nhiều khách hàng nước ngoài lợi dụng để gây áp lực, ép giá hồ tiêu.

Theo VPA, giá hồ tiêu trong nước bắt đầu có xu hướng sụt giảm vào năm 2016 khi diện tích trồng hồ tiêu có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xuất khẩu 125.847 tấn hồ tiêu, thu về 712,62 triệu USD, tăng 17,8% về lượng nhưng giảm 17,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá tiêu xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5.663 USD/tấn, giảm 30% so với giá xuất khẩu bình quân cùng kỳ năm 2016.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm, giá hồ tiêu xuất khẩu nhiều khả năng vẫn thấp nên cho kim ngạch xuất khẩu cả năm bị giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá, nhờ lượng tiêu xuất khẩu có thể cao hơn năm trước nên giá trị xuất khẩu tiêu cả năm sẽ không giảm.

Quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 cho thấy, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, cả nước đạt gần 110.000ha hồ tiêu, cao gấp hai lần quy hoạch, cảnh báo tăng trưởng “nóng” về diện tích.

Cùng với đó, những cảnh báo về chất lượng hồ tiêu Việt Nam được đưa ra như: chất lượng kém, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được các đối thủ khuếch tán để “dìm” tiêu Việt.

Ngoài ra, mặc dù sản lượng vượt quy hoạch nhưng để xuất khẩu đi Liên minh châu Âu 40.000 tấn hồ tiêu sạch, DN Việt phải nhập khẩu 22.000 tấn tiêu sạch từ Campuchia, Malaysia, Indonesia để chế biến và tái xuất.

Vì vậy, theo các chuyên gia, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề cần sớm giải quyết: diện tích vượt xa quy hoạch, canh tác chưa bền vững với nhiều tồn tại về kỹ thuật, giống và vấn đề vệ sinh an toàn. Nếu không giải quyết được ba điều này, các DN xuất khẩu hồ tiêu Việt không thể chủ động được mức giá, thậm chí còn liên tục bị đối tác làm giá, sử dụng chiêu trò để hạ giá.

Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra với ngành hồ tiêu là phải nâng cao năng suất khi được dự báo là sẽ cạnh tranh gay gắt với Campuchia trong tương lai. Hiện nay, theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), dù nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia ít thâm canh so với nông dân Việt Nam nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất của Việt Nam chỉ bằng một nửa, trung bình 3 tấn/ha.

Một trong những giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng thương lái Trung Quốc dễ bề điều khiển thị trường là thiết lập liên kết giữa DN với nông dân. Theo đó, cần xây dựng và thúc đẩy hình thành các mô hình liên kết giữa DN với nông dân trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn và nên truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ uy tín và thương hiệu cho nông dân, DN.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

UBND các tỉnh trồng tiêu trọng điểm cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho DN đầu tư, tổ chức liên kết sản xuất diện tích lớn theo quy trình đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình đáp ứng các yêu cầu chất lượng của những nước nhập khẩu nhằm xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam.

Ts. Nguyễn Như Hiến - Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT

Để xuất khẩu hồ tiêu bền vững, các tỉnh cần phải rà soát lại quy hoạch ngành hồ tiêu, đồng thời đẩy mạnh sản xuất theo hướng GAP, đẩy mạnh liên kết trong mọi công đoạn, từ sản xuất đến chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, nhất là thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Lâm San (Đồng Nai)

Để nâng cao giá trị hồ tiêu Việt Nam, người trồng cần sản xuất đáp ứng theo những gì thế giới cần, chỉ khi người nông dân sản xuất tiêu sạch theo hướng canh tác hữu cơ hoặc đáp ứng chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Gap), hồ tiêu Việt Nam mới có thể đứng vững và vươn ra thế giới. Khi có thị trường ổn định, hồ tiêu Việt Nam sẽ có giá bán tốt hơn so với hiện nay.

Theo Lê Thúy/TBKD

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/ho-tieu-viet-ngam-dang-nuot-cay-211151/