Lo ngại nguy cơ dịch sởi bùng phát

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, số ca mắc sởi năm nay dự báo tăng cao, vì theo quy luật, cứ 4 - 5 năm dịch sởi sẽ quay lại. Năm 2014, dịch sởi đã bùng phát mạnh với 1.741 trường hợp bị mắc trong đó có đến 14 trường hợp tử vong.

Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất phòng chống sởi. Ảnh: PV

Số ca mắc tăng lên

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 41 trường hợp mắc sởi. Số liệu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương cho biết, hiện số ca mắc sởi trên toàn quốc đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017, với gần 90 trường hợp được ghi nhận, 1 bệnh nhi mắc sởi tử vong. Trong số các trường hợp mắc sởi, có 54 ca chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi), còn lại là các bệnh nhi chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trên cả nước từ năm 1985. Tuy nhiên, hàng năm, cả nước vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Năm 2017, bệnh sởi ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam với 141 trường hợp dương tính với sởi (431 trường hợp phát ban nghi sởi), không có trường hợp tử vong. Trong đó có 54 trường hợp (38,3%) dưới 9 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp (39%) không tiêm chủng, 22 trường hợp (15,6%) không rõ tiền sử tiêm chủng và 10 trường hợp (7,1%) có tiêm vắc xin sởi. Như vậy, nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra rất lớn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm vắc xin sởi thấp hoặc tại một số thành phố lớn, nơi có mật độ tập trung dân cao và sự di biến động dân cư lớn.

Các chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo, số ca mắc sởi năm nay dự báo tăng cao, vì theo quy luật, cứ 4 - 5 năm, dịch sởi sẽ quay lại. Sởi là 1 bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra và thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học.

Theo bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm. Bệnh lây theo đường hô hấp qua dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Thời kỳ ủ bệnh thường là 12 - 14 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Thời kỳ lây truyền là từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu (thông thường khoảng 4 ngày trước khi phát ban) đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau ngày thứ 2 phát ban. Với các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), sổ mũi (chảy nước mũi).

Biến chứng của sởi rất nguy hiểm

Đặc biệt, biến chứng của bệnh sởi có thể gây viêm phổi, viêm não - màng não rất nặng, thậm chí tử vong. Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi. Một số có thể bị biến chứng viêm não - màng não cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt. Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng và biến chứng viêm não. Do đó, khi con trẻ chẳng may bị sởi, cha mẹ cần chú ý để phát hiện sớm biến chứng viêm phổi ở trẻ. Có 2 dấu hiệu chính để cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi. Đó là khi thấy trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Khi trẻ có dấu hiệu này, cha mẹ phải đưa con đến bệnh viện để điều trị ngay lập tức.

Biện pháp dự phòng bệnh sởi là giáo dục sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với các bà mẹ và thầy cô giáo, cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh sởi để cộng tác với ngành y tế trong việc tiêm vắcxin sởi cho trẻ em. Tiêm chủng mũi 1 cho tất cả trẻ em từ 9 - 11 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 cho trẻ 6 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho trẻ ở lứa tuổi cao hơn ở vùng nguy cơ cao (nơi vẫn còn vi rút sởi lưu hành, tỉ lệ tiêm chủng thấp), tăng cường giám sát bệnh. Trẻ em bị mắc bệnh sởi không nên đến trường ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhân sởi ở trong bệnh viện phải được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu viêm long cho đến ngày thứ 4 của phát ban để khỏi lây sang bệnh nhân khác. Ngay sau khi mắc sởi, sức đề kháng của trẻ giảm một cách đáng kể, cho nên rất dễ bị biến chứng bởi sự tấn công của vi khuẩn bội nhiễm hoặc vi rút khác không phải vi rút sởi.

THÙY LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/y-te/lo-ngai-nguy-co-dich-soi-bung-phat-598683.ldo