Hồ thủy điện Tuyên Quang: Điểm đến trữ tình

Với núi non trùng điệp, bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh, sau khi được tích nước để khai thác thủy điện, vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã trở thành một vùng sông nước hữu tình mà ít nơi có được.

Thác Mơ bên hồ thủy điện Tuyên Quang.

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được ví với nhiều tên gọi mỹ miều: Hạ Long cạn, bức tranh thủy mặc... Vào những tháng mùa khô, mực nước hồ thủy điện xuống thấp để trơ lại những cù lao đất đỏ, những hang hốc đá vôi với nhiều hình thù kỳ thú. Vào mùa mưa, những thác nước từ trên núi dội xuống hồ, bọt nước tung trắng xóa một vùng. Cả vùng hồ, nước dâng đầy trám lấp những chân núi, những cù lao thấp để lại cả một vùng nước mênh mông hòa lẫn cây rừng nguyên sinh đang được bảo tồn.

Khám phá vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang bằng thuyền, có thể lựa chọn nhiều ngả tới các eo, ngách, những thôn, bản sinh sống dọc theo lòng hồ. Song có 2 hướng chính, là tuyến từ Bến Thủy đi dọc theo sông Năng tới Bản Lãm, xã Khâu Tinh (Nà Hang) và tuyến từ Bến Thủy đi dọc theo sông Gâm tới núi Cọc Vài thuộc địa phận xã Thượng Lâm (Lâm Bình) và tới Bắc Mê (Hà Giang). Mỗi địa danh đi qua đều có những câu chuyện cổ tích đậm chất huyền bí, những giai thoại lịch sử gắn liền. Trước khi đến với những tuyến đường thủy phải qua Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia.

Giữa không gian vùng hồ rộng lớn là sừng sững núi Pắc Tạ, ngọn núi cao nhất của huyện Nà Hang có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu. Xa chút nữa là núi Xa Tạ hay còn gọi là núi Côn Lôn. Câu chuyện truyền thuyết về núi Pắc Tạ kể về chú voi nghiện rượu có công đánh giặc và được vua phong là Voi quận công hóa đá. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng và du khách khắp nơi thường đến nơi đây cầu nguyện. Cũng trên đường du ngoạn bằng thuyền có thể ghé thăm và thắp hương ngôi đền Pắc Vãng là nơi thờ Quan đế đại thần và thờ Mẫu. Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước.­­

Dọc đường, theo hướng Bản Lãm, theo con sông Năng khúc sông có chỗ nở ra, mênh mông sông nước, chỗ thì thắt lại, hai bên vách đá dựng đứng. Đây là vùng “rốn” Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, từ thuyền có thể chiêm ngưỡng những cánh rừng nguyên sinh trùng trùng điệp điệp, dưới là nước, trên là mây trắng, trời xanh biếc. Tạo hóa nơi đây báo hiệu cho người dân một quy luật rất nghiêm ngặt khi đi thuyền mảng trên sông vào mùa lũ. Đó là trên vách đá có những lỗ nhỏ gọi là Đăng Vài (có nghĩa là mũi trâu). Cứ vào mùa lũ, bà con có kinh nghiệm, hễ nước sông thấp hơn mũi trâu thì có thể qua được còn nếu ngập ngang mũi trâu phát ra tiếng nước réo (trâu thở) thì rất nguy hiểm, thuyền bè không qua được.

Đoạn sông Năng qua xã Đà Vị, người ta không gọi là sông Năng mà gọi là sông Ngang, đến thượng nguồn sông Gâm có Núi Đổ. Sông Ngang, Núi Đổ nghe như có vẻ hung dữ, thách thức sự chinh phục của con người, nhưng hết mùa lũ sông lại hiền hòa như bàn tay người mẹ bồi đắp phù sa cho những cánh đồng tươi tốt.

Đi dọc sông Gâm theo hướng tới Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Đi tiếp nữa là gặp thác Nậm Mè (suối mẹ)... Bên bờ trái đoạn chia cắt thị trấn Nà Hang với xã Trùng Khánh (cũ) có vách đá tên gọi là “Nàng Tiên - Chú Khách”. Có thể hình dung trên vách đá có hình ảnh Nàng Tiên - Chú Khách đang chơi vơi giữa chốn bồng lai tiên cảnh và hạ giới. Vách đá này cũng gắn liền truyền thuyết rất hay và cảm động. Đến đây được nghe về sự tích hoa Phặc Phiền, một loài hoa cỏ tiên có hương thơm ngào ngạt có thể chữa được mọi ưu phiền làm cho người khỏi bệnh. Tiếp đến là những thác nước Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang đổ như mái tóc của người thiếu nữ buông xuống rừng đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ.

Ghé thăm thác Khuổi Súng, Khuổi Nhi, Khuổi Me, thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá khoảng 10.000 năm)... Những cánh rừng nguyên sinh có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=25&itemid=33180