Hồ Tây vẫn ô nhiễm: Làm rõ người chịu trách nhiệm

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Gần 1.000 tỉ đồng đầu tư xử lý thải, hồ Tây vẫn ô nhiễm đăng trên Thanh Niên ngày 11.10.

Cống xả thải khu vực Trường THPT Chu Văn An, trên đường Nguyễn Đình Thi

Không hiểu nổi !

Cả ngàn tỉ đồng để xử lý nước thải, không cho ô nhiễm hồ Tây, mà vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng vì một lý do lãng xẹt: không đấu nối vào đường ống xả thải. Thật tôi không thể hiểu nổi. Thứ nhất, 6 năm qua, cả ngàn tỉ đồng tiền của dân bỏ ra vẫn không phát huy hiệu quả; Thứ hai là ai có trách nhiệm buộc các cơ sở đấu nối vào đường ống, mà lại để khơi khơi như vậy? Thứ ba là liệu số tiền chi cho dự án ngăn chặn ô nhiễm hồ Tây có bị “bốc hơi” hay không? Phải điều tra và quy trách nhiệm rõ ràng cho ai tắc trách trong vụ này.

Nguyễn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Thanh tra làm rõ!

Ngay hồ Tây ở thủ đô, bỏ ra cả ngàn tỉ đồng mà không giải quyết được ô nhiễm thì thử hỏi nơi khác ra sao? Phải làm rõ ai là chủ dự án Trạm xử lý nước thải hồ Tây, và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ việc này? Đồng thời, phải tìm hiểu xem ai cho phép các cống của các đơn vị xả thải thẳng ra hồ Tây… Theo tôi, phải thanh tra làm rõ vấn đề này và phải khắc phục ngay ô nhiễm ở hồ Tây, trả lại cảnh quan thơ mộng cho thủ đô.

Đỗ Hà (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Quá lạ

Cả trăm cơ sở dịch vụ xả thải xuống hồ Tây thì làm sao không ô nhiễm, cá sao không chết được? Tại sao hệ thống đầu tư xả thải “đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng”? Tôi thật ngạc nhiên khi vị phó chủ tịch quận nói “không nắm rõ đã có bao nhiêu cơ sở dịch vụ xung quanh hồ Tây thực hiện đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải”. Thật quá lạ! Một số liệu mà lẽ ra với vai trò người lãnh đạo chính quyền địa phương phải thuộc nằm lòng và phải công khai, đằng này lại “không nắm rõ” thì làm sao xử lý, giải quyết công việc?

Thanh Toàn (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

Kiên quyết xử lý

Ai chịu trách nhiệm về việc hồ Tây bị ô nhiễm? Đây là câu hỏi không chỉ đối với người dân Hà Nội, mà người dân cả nước cũng cần được biết. Sự việc ô nhiễm, cá chết đang được chỉ đạo tìm hiểu và xử lý. Trong khi nguyên nhân gây ô nhiễm đã quá rõ ràng: 30 cơ sở xả thải thẳng ra hồ Tây; chính quyền quận không nắm rõ cơ sở nào có đấu nối, cơ sở nào chưa; Hệ thống đầu tư xử lý nước thải không phát huy tác dụng… Đây là hậu quả của kiểu làm việc tắc trách, quan liêu. Theo tôi, phải kiên quyết xử lý vụ việc này, không thể cho qua được.

Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Đầu tư cả ngàn tỉ đồng để xử lý nước thải mà hồ Tây vẫn ô nhiễm, cá vẫn chết hàng loạt như vậy thì thật là lãng phí. Vấn đề này, UBND TP.Hà Nội cần phải chỉ rõ ai là người chịu trách nhiệm, đồng thời có biện pháp chế tài và buộc các cơ sở có xả thải phải đấu nối vào hệ thống, đơn vị nào cho xả thải ra môi trường mà không qua xử lý cần phải xử phạt thật nghiêm.

Nguyễn Đăng Khoa (TX.Sơn Tây, Hà Nội)

Ngoài việc gom nước thải của các cơ sở về nhà máy xử lý thì cũng cần có biện pháp buộc các chủ nguồn xả phải tự xử lý trước khi thải ra môi trường. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài cần phải xây dựng được ý thức người dân trong việc giữ gìn môi trường tốt hơn.

Nguyễn Ngọc Hương (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

An Phong - Sơn Hải (thực hiện)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/ho-tay-van-o-nhiem-lam-ro-nguoi-chiu-trach-nhiem-754092.html