Hò khoan Lệ Thủy: Viết tiếp hành trình di sản

Như tin đã đưa, trong 2 ngày 26 và 28/9, Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội phối hợp với đoàn nghệ nhân dân gian hò khoan Lệ Thủy trình diễn loại hình văn hóa dân gian này tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Hò khoan Lệ Thủy được quảng bá tại Hà Nội.

Khát vọng của người lao động

Lệ Thủy-dải đất hẹp phía Nam tỉnh Quảng Bình, nơi ôm trọn dòng Kiến Giang thân thương, trìu mến với những tinh hoa của ruộng đồng, làng quê bốn mùa yên ả. Theo chứng tích lịch sử gần nghìn năm để lại, trước đây vùng đất Lệ Thủy và Quảng Bình thuộc nước Chiêm Thành.

Đến năm 1069 khi Lý Thái Tổ chinh phạt vua Chiêm dành được một số vùng đất, trong số đó vùng đất Lệ Thủy cũng thuộc về với Đại Việt. Hò khoan Lệ Thủy ra đời có thể nói là dựa trên đặc trưng của vùng đất mang đậm nét văn hóa đa sắc màu. Khác với nhiều nơi, dân ca là thú tiêu khiển, thậm chí chỉ phục vụ cho một giai tầng cao của xã hội ở chốn cung đình, cửa quan thì ở Lệ Thủy, hò khoan là của mọi người lao động, gắn liền với lao động, ai cũng có thể tham gia, càng đông càng rạo rực.

Từ bao đời nay, hầu hết những câu hò đã được nâng niu giữ gìn sau lũy tre xanh. Nó quyện trong khói lam chiều của mái tranh quê, cây đa, bến nước mỗi thôn cùng, xóm nhỏ. Cứ nghe về nó, người Quảng Bình như cảm nhận được tâm hồn, tư tưởng, khát vọng của cha ông và cũng là khát vọng của chính mình.

Đại tá Đặng Ngọc, giảng viên Học viện An ninh Nhân dân, một người con của mảnh đất Lệ Thủy phân tích: Từ nhịp điệu, các tiết tấu của động tác lao động mà sáng tạo ra lời hò, giai điệu hò khoan, thậm chí là ứng tác (bắt miệng) ngay tại chỗ. Hò khoan Lệ Thủy được qui ước rõ ràng trong kiểu cách tham gia của mỗi thành viên.

“Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng”, còn hò con là người “đế” hay “xố”. Mỗi câu hò duy nhất chỉ có một người lĩnh xướng, còn người xố thì tất cả đám đông đều có mặt tham gia nên gọi là hội xố”, Đại tá Ngọc cho hay.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Hò khoan Lệ Thủy có 5 làn điệu cơ bản, có tài liệu nói 6, hoặc 9 làn điệu nhưng chắc chắc cần phải khảo cứu làm rõ thêm. Làn điệu, đó là cách gọi của nhà nghiên cứu, còn người Lệ Thủy gọi là “mái” hò.

Mỗi mái hò có cấu thức âm nhạc giai điệu, cách ngắt câu, lớp xố riêng, đó là mái ruổi, mái ba, mái chè, mái nệ, mái sắp. Có lẽ vì thế mà Hò khoan Lệ Thủy có hình thức diễn xướng rất phong phú qua các điệu hò sông nước, hò cạn, hò giã gạo, hò đưa linh, hò bài chòi... Nhiều hình thức diễn xướng trong đó được xắp xếp thành lớp lang rất nhuần nhuyễn.

Tuy nhiên, trong hành trình 700 năm vận động và phát triển, những từ những làn điệu cơ bản nói trên, các nghệ nhân dân gian tiếp tục sáng tạo thêm các “lối hò”. Lối “giao duyên”, “lối nhân nghĩa, “lối điển tích”, “lối ghễnh ghẹo”, “lối bồn ba”.

Các lối hò này trở thành thước đo để người ta thi thố tài năng. Do đó, cũng như nhiều loại hình diễn xướng khác, bản thân hò khoan dần dần được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu hoặc những lúc nông nhàn. Một điều độc đáo nữa ở Hò khoan Lệ Thủy, ấy là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi thì mới dùng đến Nhị, Sao, Trống, Sanh… còn thông thường, nhạc cụ hò khoan lại đơn thuần chỉ là những công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà…

Quảng bá rộng rãi

Mang Hò khoan Lệ Thủy ra Hà Nội biểu diễn lần này, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thanh Thiếu (64 tuổi) tâm sự: Những người con Quảng Bình luôn ấp ủ hò khoan sẽ được quảng bá rộng rãi hơn tới nhân dân cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ông cũng cho hay hiện nay tại Quảng Bình các lớp thệ hệ nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú vẫn đang dồn sức trao truyền cho các thế hệ trẻ.

Với những giá trị đó, mong muốn của đoàn là giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của Hò khoan Lệ Thủy tới đông đảo nhân dân cả nước, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Rất khó có thể kể hết ra đây những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của Hò khoan Lệ Thủy, nhưng có tận mắt được chứng kiến những tiết mục do chính những người dân lao động mang đến Thủ đô mới thấy được giá trị văn hóa chứa đựng, chắt chiu trong đó. Người nông dân không ai khác là những “nghệ sĩ chân đất” vừa buông tay cày, tay cấy hôm qua, hôm nay đã hào sảng cất cao lời ca câu hò, điệu hát. Điều đó lí giải vì sao Hò khoan Lệ Thủy có một sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng dân cư đến vậy.

Song hành cùng đời sống của người dân địa phương giờ đây Hò khoan Lệ Thủy không chỉ được lĩnh xướng ở sân đình, sau lũy tre làng mà nó đã đến với những sân khấu lớn, được biểu diễn ở nước ngoài. Hò khoan Lệ Thủy tỏa sáng bởi lời hay ý đẹp, ngôn ngữ tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc.

Với âm điệu phong phú, trữ tình, các bài hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời và nhạc.

Ai đã một lần nghe người Lệ Thủy hát hò khoan, hẳn đều chẳng thể nào quên được. Hò khoan Lệ Thủy là tinh hoa được chắt lọc từ những giọt mồ hôi của cha ông mặn chát bao đời. Lớn mạnh thêm lên cùng với quá trình chinh phục thiên nhiên và bảo vệ quê hương đất nước của con người, làn điệu Hò khoan Lệ Thủy đang ngày một khẳng định mạnh mẽ hơn vị thế của mình trong kho tàng di sản văn hóa dân gian Quảng Bình và cả nước.

Minh Quân - Minh Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/ho-khoan-le-thuy-viet-tiep-hanh-trinh-di-san/124226