Hò khoan, chúng em khua mái chèo…

(VOV) - Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in đêm trừ tịch ấy…

Vào khoảnh khắc giao thừa năm Bính Ngọ, sau lời chúc Tết quen thuộc của Bác Hồ là một chương trình văn nghệ tổng hợp gồm thơ và nhạc, phải đến cả một giờ trên Đài TNVN. Hôm đó, trong số những sáng tác được giới thiệu là “từ miền Nam gửi ra” có một bài hát thật thú vị, mới nghe lần đầu đã bị cuốn hút. Đó là bài “Qua sông” của Phạm Minh Tuấn.

Nghe Qua sông
Sáng tác: Phạm Minh TuấnTrình bày: Tốp nữ Đài TNVN

“Hò khoan, chúng em khua mái chèo, đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo. Đường hành quân các anh đi khắp nẻo, vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao…”. Bài hát có giai điệu tươi vui, rộn rã, náo nức, khẩn trương, mặc dù tác giả viết ở điệu thứ (mineur) vốn dĩ có màu sắc tối, ít phù hợp với những tính chất trên. Nhưng nghe kỹ lại thấy có chất gì đó bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến. Người nghe dễ dàng nhận ra tác giả nói về những cô gái giao liên, chở đò đưa bộ đội vượt sông đi đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, phụ nữ đóng vai trò đáng kể làm nên chiến thắng. Chị em đều còn rất trẻ, chỉ ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đã tình nguyện rời nhà đi làm mọi việc phục vụ kháng chiến: tiếp lương, tải đạn, chèo thuyền, cấp dưỡng nuôi quân, cứu thương…

Một điều khá thú vị là nghe giai điệu bài “Qua sông”, người ta hình dung ngay được đó là những cô gái chở đò, đưa bộ đội giải phóng hành quân ở trong đêm, chứ không phải ban ngày, mặc dù tác giả chỉ một lần nói đến “dòng sông rọi ánh trăng thanh”. Vẻ khuya khoắt, tĩnh mịch được hiện ra khá rõ trong bài. Nghe bài hát, ta hình dung được không khí, bối cảnh như xem phim vậy: đêm khuya dưới ánh trăng thanh, các cô gái chèo thuyền đưa các chiến sĩ giải phóng đi đánh giặc. Vì phải vượt qua những địa điểm rất dễ bị địch phát hiện nên phải đi nhanh lại còn phải giữ yên tĩnh, bảo đảm bí mật, bất ngờ.

Phạm Minh Tuấn sáng tác “Qua sông” năm 1963, lúc 21 tuổi, đang là diễn viên đoàn Văn công Giải Phóng vừa được thành lập (tiền thân của Đoàn Ca múa Bông Sen sau này). Một chàng trai mới 21 tuổi, mới vào văn công được một thời gian ngắn, chưa thể dạn dày trong khói lửa, đạn bom, chỉ võ vẽ dăm nốt nhạc mà viết được bài hát đầu tay xuất sắc. Bài hát khá hoàn chỉnh về mọi thủ pháp sáng tác: cách khai thác chất liệu dân ca Nam bộ (một chút loáng thoáng), cách phát triển chủ đề âm nhạc, tổ chức câu, đoạn nhạc, bố cục, khúc thức, kết câu, kết đoạn, kết bài.

“Qua sông” được Phạm Minh Tuấn sáng tác ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, là căn cứ của T.Ư Cục miền Nam khi ấy. Đó là một đêm tháng 8/1963, trời lắc rắc mưa nên trăng mờ, chàng diễn viên văn công không ngủ, thả hồn miên man, theo những cảm xúc chộn rộn về cuộc sống đang diễn ra, trong đó hình ảnh những cô gái rất trẻ, xinh tươi, duyên dáng cùng thế hệ với mình lặng lẽ chở đò trong đêm. Nhịp hò khoan của sông nước đung đưa trong cảm xúc. Rồi chàng lấy đàn ghi ta bập bùng những nốt nhạc đầu tiên: “Hò khoan chúng em khua mái chèo…”.

Bài hát viết xong được lãnh đạo đoàn văn công dàn dựng làm tiết mục biểu diễn. Được diễn viên, bà con hưởng ứng, khích lệ, tác giả mới yên tâm để một năm sau - năm 1964 - gửi ra Đài TNVN. Ngày ấy, mọi sáng tác văn nghệ, từ âm nhạc đến thơ văn, ký, tiểu thuyết từ miền Nam gửi ra là rất quý, vì nóng hổi hơi thở của cuộc kháng chiến nơi tuyến đầu Tổ quốc nên rất được trân trọng, nhanh chóng được triển khai dàn dựng để phổ biến, tuyên truyền. Nhưng không hiểu, do thất lạc thế nào, mãi đến giao thừa Bính Ngọ, bài hát mới được vang lên trên làn sóng.

Giản dị mà phong phú, sinh động, rất giàu nhạc điệu, vẻ lãng mạn, mơ mộng được bay vút lên từ một thực tế gian khổ, cam go đã khiến “Qua sông” trở thành một trong những bài hát hay nhất của dòng âm nhạc cách mạng miền Nam trước năm 1975. Rất dễ hiểu khi bài hát đã nhận được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (giai đoạn 1960 - 1965).

Thời gian trôi đi nhưng “Qua sông” vẫn như một viên ngọc sáng lấp lánh. Hôm nay nghe lại, ta vẫn thấy còn nguyên vẹn hơi thở của những năm tháng gian truân mà hào hùng, gian khổ mà tràn ngập lạc quan. "Qua sông" của Phạm Minh Tuấn cũng như nhiều tác phẩm ra đời cùng thời kỳ đã góp phần tạo dựng tầm vóc, tư thế chiến thắng của dân tộc ta./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/ho-khoan-chung-em-khua-mai-cheo/201112/193923.vov