Hồ chứa nước Buôn La Bách thấm nước hơn 200m, không biết vì sao?

Nguồn tin của Lao Động cho hay, qua kiểm tra hiện trạng trực quan, Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên xác định công trình hồ chứa nước Buôn La Bách (huyện sông Hinh) xuất hiện hiện tượng thấm mái hạ lưu đập rất nhiều và lan rộng, mái hạ lưu đang bị sụt lún, hư hỏng nặng và có nguy cơ mất an toàn đập, nhất là trong mùa mưa lũ 2017. Thế nhưng, chính quyền và ngành chức năng không biết nguyên nhân.

Hồ chứa nước Buôn La Bách (huyện Sông Hinh). Ảnh: P.S

Tính chất nghiêm trọng, nguyên nhân không rõ

Kết quả kiểm tra thực địa của Sở NNPTNT cho thấy, từ mặt đất Đ1+20m (khu vực cống lấy nước bờ tả) đến mặt cắt Đ10 tổng chiều dài xuất hiện dấu hiệu thấm khoảng 230-240m. Đặc biệt, từ mặt cắt Đ8 đến mặt cắt Đ10 (dài 70m) thấm mạnh, dòng nước thấm qua đập ở khu vực này trong, không chứa hàm lượng đất.

Tuy vậy, đoạn cuối thu gom nước của rãnh tiêu thoát nước chân đập hạ lưu đã lún, sập gãy với chiều dài khoảng 20cm và lún mái hạ lưu ở khu vực thấm mạnh từ 30cm - 50cm trên diện tích khoảng 100m2. Cao trình khu vực thấm và có dấu hiệu lún mái hiện nay nằm trong khoảng +185,20m (rãnh thoát nước chân hạ lưu đập) đến +197m (trên cơ hạ lưu khoảng 2-3m). Từ mặt cắt Đ14 đến Đ18 đã có dấu hiệu thấm ở mức độ nhẹ tại một số vị trí với tổng diện tích khoảng 50m2. Hiện trạng mái thượng lưu vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu sụp lún.

Ông Nguyễn Trọng Tùng - GĐ Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên cho rằng chưa thể kết luận chính thức nguyên nhân thấm qua đập. Lý do, việc xác định nguyên nhân cần có thời gian và đơn vị tư vấn đủ năng lực khảo sát, đánh giá một cách cụ thể từ khâu thiết kế, thi công cũng như quản lý vận hành. Về giải pháp khắc phục trước mắt, ông Tùng cho hay cần khoan phụt tạo màng chống thấm cho toàn bộ đập chính; bóc bỏ và hoàn thiện lại mái hạ lưu; hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước mái hạ lưu; đầu tư hệ thống quan trắc đập. Để đưa ra phương án hiệu quả nhất cả về thời gian, tài chính và kỹ thuật cần phải lựa chọn đơn vị tư vấn và xây dựng đủ năng lực, chuyên môn... xử lý các bước liên quan tiếp theo.

“Nếu có sự cố, không ảnh hưởng gì mấy đến dân” (!)

Công trình hồ chứa nước Buôn La Bách mới bàn giao và đưa vào vận hành khai thác năm 2013. Công trình khánh thành vào tháng 7.2012, được triển khai thi công từ tháng 6.2005 với tổng mức đầu tư gần 24,6 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình tín dụng chuyên ngành JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng của ngân sách tỉnh. Công trình có các hạng mục chính gồm hồ chứa có dung tích hữu ích 2,2 triệu m3 nước, hệ thống kênh tưới chính dài gần 1,2km; có nhiệm vụ tưới cho 100ha lúa hai vụ và 178ha mía, đồng thời cấp nước sinh hoạt cho 400 người dân, cải thiện môi trường sinh thái cho vùng hạ lưu và tạo cảnh quan cho thị trấn Hai Riêng.

Ông Tùng cho biết, do tính chất nghiêm trọng của sự việc, Sở NNPTNT ngày 22.6 đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NNPTNT (BQL dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai trước đây) là chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Buôn La Bách mời đơn vị tư vấn thiết kế công trình này thực hiện nhiệm vụ giám sát tác giả, kiểm tra, đánh giá lại tính ổn định công trình và có báo cáo cho UBND tỉnh, Sở NNPTNT và UBND huyện Sông Hinh trước ngày 31.7.

Để đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ năm 2017, Sở NNPTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí, giao cho UBND huyện Sông Hinh (đơn vị quản lý hồ) làm chủ đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập đủ năng lực, chuyên môn khẩn trương khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân, lập hồ sơ thiết kế, có giải pháp xử lý và khắc phục khẩn cấp việc thấm qua thân đập của hồ chứa nước Buôn La Bách trước mùa mưa lũ 2017.

Chiều 23.6, trao đổi với PV Lao Động về việc chính quyền đã thông báo đến người dân địa phương về sự cố trên hay chưa, ông Đặng Đình Toại - Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nói rằng: “Hồ nước này nếu có sự cố thì dân cũng không ảnh hưởng gì mấy. Dân người ta ở trên núi, trên cao hết mà”. PV đặt câu hỏi hồ xa khu vực người dân đang ở là xa bao nhiêu, ông Toại cho biết: “Khoảng 1km nhưng ở trên đồi”.

Trong khi đó, Sở NNPTNT đề nghị UBND huyện Sông Hinh theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố thấm qua thân đập; chủ động thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du biết sự cố của hồ để chủ động các biện pháp phòng tránh, nghiêm cấm người dân, gia súc đi lại trên mái đập; xây dựng phương án phòng chống lụt bão..

Nhiệt Băng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ho-chua-nuoc-buon-la-bach-phu-yen-nuoc-tham-qua-mai-ha-luu-nhieu-va-lan-rong-676798.bld