Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ - một tấm gương về đạo đức cách mạng

Dân tộc ta có truyền thống yêu nước, tạo dựng sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Truyền thống quý báu đó đã hun đúc nên tinh thần chiến đấu quật cường, vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy để lao động sản xuất và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm hào hùng đó, xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, nhiều tấm gương hy sinh thân mình vì đại nghĩa chống giặc ngoại xâm. Sự hy sinh của đông đảo quần chúng, của chiến sĩ, anh hùng kế tiếp nhau trong lịch sử đã xây đắp nên giang sơn, gấm vóc ngày nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”1.

Vì vậy, nhân dân ta luôn ghi nhớ công lao của những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Lòng biết ơn này thể hiện ở sự tôn vinh và noi gương các anh hùng, liệt sĩ. Đây là đạo lý, sự tri ân, “lòng hiếu thảo”- một biểu hiện cốt lõi của đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam. Khái quát điều này, Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ lấy nước”. Truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những nguồn gốc hình thành tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, tình cảm, tư tưởng của Người đối với thương binh, liệt sĩ nói riêng và trong thực tiễn, Người chính là hiện thân, là tấm gương sáng của tư tưởng nhân văn đó. Từ nhận thức, từ lòng yêu thương, Người đã thể hiện bằng những hành động cụ thể và đấy chính là một trong những cơ sở cốt yếu cho việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với những người có công với nước. Trong “Chương trình Việt Minh” (tháng 5-1941), ở mục D: “Đối với các tầng lớp nhân dân”, có một điểm thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, mà theo đó, binh lính là một trong ba đối tượng (cùng với công nhân, nông dân) được Mặt trận Việt Minh chăm lo chính sách: cần hậu đãi binh lính có công giữ gìn Tổ quốc và phụ cấp gia đình binh lính được đầy đủ. Trong bài “Mười chính sách của Việt Minh” do Hồ Chí Minh dẫn ra, có câu: “Binh lính giữ nước có công/ Được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu”2. Ngay sau cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước; đồng thời, thể hiện tấm lòng biết ơn, nhân ái của Người. “ Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “ Ngày thương binh toàn quốc” đầu tiên để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 27-7 trở thành “Ngày thương binh toàn quốc”. Từ năm 1955, ngày 27-7 được đổi thành “Ngày thương binh, liệt sĩ” và được tổ chức hằng năm trên cả nước. Sinh thời, cứ đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư cho cán bộ chủ quản các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng dặn việc chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ. Người cũng gửi thư, tặng quà, thăm các gia đình thương binh và viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, chăm nom, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ của nhân dân ta diễn ra hết sức sôi nổi, có kết quả. Từ sau ngày Tổ quốc thống nhất, phong trào được tổ chức ngày càng chặt chẽ, có tính chất thiết thực hơn, thể hiện ở việc tìm hài cốt liệt sĩ trên các chiến trường xưa trong cả nước và trên đất nước bạn Lào, Cam-pu-chia; trong việc xây dựng, sửa sang, chăm lo nghĩa trang liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa cùng những công việc “Đền ơn, đáp nghĩa” khác... Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ tiếp sau mà đã và đang phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những hành động cụ thể đối với thương binh, liệt sĩ. Để khắc sâu và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh về “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa’, chúng ta tìm hiểu một vài đặc trưng cơ bản trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người đối với thương binh, liệt sĩ. Đặc trưng nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ là chủ nghĩa nhân văn mà cốt lõi là lòng thương người. Ở Hồ Chí Minh, lòng thương người phát triển với mức độ cao; nó đồng nghĩa với việc thực hiện các quyền cơ bản về sự phát triển toàn diện của con người. Từ lòng yêu thương những người nghèo khổ ở quê hương, những người đi phu làm đường Cửa Rào (Nghệ An) bị đánh đập, đói khát, đồng bào bị áp bức, bóc lột, Nguyễn Ái Quốc mở rộng đến sự thông cảm, yêu thương tất cả nhân dân lao động trên thế giới, kính trọng những người dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình. Người đã khóc khi nghe tin Thị trưởng Coóc- một nhà yêu nước Ai-xơ-len bị bắt cầm tù đã tuyệt thực đến chết và nghĩ đến tấm gương hy sinh của nhà yêu nước Việt Nam Tống Duy Tân “ thà chết không đầu hàng”. Từ đó, Người đi đến nhận thức rằng: “Cái chết của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ bất diệt”4. Lòng thương người của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự đồng cảm với những người thân trong gia đình bị mất con, em vì hy sinh cho Tổ quốc, song rất đỗi tự hào vì được “Tổ quốc ghi công”. Thật vô cùng xúc động và cảm kích khi đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Phạm Đình Tụng, khi được tin con trai ông hy sinh: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”5. Lòng thương người gắn với lòng kính yêu thương binh, liệt sĩ quyện chặt vào nhau, nâng cao ý thức giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của đất nước, dân tộc. Không phải sự mất mát nào cũng làm chúng ta kính trọng, học tập, dù có thương cảm, mủi lòng, ngoại trừ hy sinh cho đất nước, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai mãi mãi tồn tại và phát triển. Đó là “Những cái chết làm nên sự sống và trở thành bất tử”. Tình cảm thân thiết, nghĩa đồng chí được cô đọng, được thể hiện trong “Bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1-8-1951: “Tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 năm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân... Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!”6.Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót và tự hào, mà còn gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người hy sinh, những người cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước, cách mạng và gia đình thương binh, liệt sĩ. Ở Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy rằng, Người đã làm cho sự hy sinh, mất mát của liệt sĩ, thương binh, gia đình, dân tộc càng thêm cao đẹp hơn bằng cách gắn sự tổn thất này vào ý thức của những người còn sống về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với những người đã hy sinh, những mất mát của những người đã chiến đấu và gia đình họ. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã làm cho những điều vinh quang càng vinh quang, đáng tự hào hơn, trách nhiệm của những người còn sống, gia đình và nhân dân càng nặng nề hơn. Đối với thương binh, bệnh binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “... đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân”7. Thông cảm với thương binh, bệnh binh vì: đôi lúc “các đồng chí không khỏi phân vân”, Người động viên, khuyến khích họ: một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập; khi đã khôi phục sức khỏe, thì sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc... Lời khuyên nhủ của Bác vừa chân tình, vừa thẳng thắn, có sức động viên, cổ vũ lớn. Đối với cán bộ, đồng bào, gia đình thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, phải luôn “... tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ..., để tranh lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Mà cũng để trả thù cho thương binh và tử sĩ ta”8. Lời động viên, kêu gọi, chỉ thị thắm đậm tình nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cuộc sống, biến thành những hành động cụ thể, từ việc giúp đỡ thương binh, gia đình thương binh, liệt sĩ đến những hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn dân. Bản thân Người luôn gương mẫu thi hành những điều đã nói, đã ban hành nên được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nói đi đôi với làm, trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, về thương binh, liệt sĩ nói riêng, đã thấm sâu trong tâm khảm, ý thức, hành động của nhân dân. Trong 62 năm qua, từ khi có Ngày thương binh, liệt sĩ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong nhân dân, trong quân đội phát triển sôi nổi, có hiệu quả. Những chính sách, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước với người có công, công tác quy tập mộ liệt sĩ, việc xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài kỷ niệm, xây dựng nhà tình nghĩa, lập quỹ “Đền ơn đáp nghĩa", tặng sổ tiết kiệm... cho thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, biểu dương tấm gương của những người “tàn mà không phế” đã được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao, tác động lớn đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động đã và đang tạo nguồn sinh khí mới cho phong trào “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển trên cả diện rộng lẫn bề sâu. GS, TS. PHAN NGỌC LIÊN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1996, Tập 9, tr. 3. 2- Hồ Chí Minh - Sđd, Tập 3, tr. 205. 3- Hồ Chí Minh - Sđd, Tập 4, tr. 435. 4- Trần Dân Tiên- Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H. 1976, tr. 26. 5- Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 5, tr. 40. 6- Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 6, tr. 272. 7, 8 - Hồ Chí Minh- Sđd, Tập 6, tr. 261; 75.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/83368/Default.aspx