Họ cần phải làm gì đó

Một trận đấu, tương lai và có thể là số phận của một đội bóng, sự xấu xí và hình ảnh của một giải đấu cũng như cả một nền bóng đá, có thể nhiều thứ có lẽ đã được “cứu”, hoặc ít nhất xử lý như đáng lẽ phải thế, nếu họ biết, có thể “làm một điều gì đó” chứ không ngồi im, bất lực và để mọi thứ diễn ra theo cách mất kiểm soát như thế. Nhưng…

Hình ảnh phản cảm và xấu hổ ở sân Thống Nhất. Ảnh: Đ.Đ

Chữ “nếu…” ở Thống Nhất

“Quyết định của trọng tài là không thể thay đổi và cần phải tôn trọng. Đúng-sai sẽ có Ban tổ chức, Ban trọng tài, Ban kỷ luật xử lý và cần phải vì hình ảnh của đội bóng, của giải đấu, vì cái chung…”.

Một giám sát đang làm nhiệm vụ ở các giải chuyên nghiệp, khi chia sẻ về sự cố trên sân Thống Nhất, đặt trường hợp giả thiết như thế để tiếc nuối. Nếu ông Võ Quốc Thắng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF - đơn vị tổ chức V.League - và cả tư cách cá nhân từng là ông chủ của đội bóng Long An, bước xuống sân và nói một vài câu như vậy, khi việc phản ứng bắt đầu xuất hiện, có thể mọi thứ sẽ diễn biến khác. Ông Thắng là anh trai của Chủ tịch Võ Thành Nhiệm - người được trao trọng trách nắm đội bóng khi bầu Thắng rời CLB để lên cầm chịch ở VPF, thế nên chắc chắn ông Nhiệm không thể không nghe. Và với tầm ảnh hưởng, cái bóng lớn của ông bầu từng gây dựng nên thương hiệu là niềm tự hào mang tên Đồng Tâm Long An rồi sau này đổi tên thành Long An, liệu các thành viên Ban huấn luyện và cầu thủ có nghe, kể cả khi cái đầu đang bốc hỏa?

“Việc phản ứng, làm trận đấu gián đoạn là sai và sẽ khiến đội bóng bị phạt. Nếu không tiếp tục thi đấu, trận đấu sẽ bị hủy và kéo theo nhiều hệ lụy tự các bạn đều biết…”. Có thể sẽ khác nhiều, nếu ông Nguyễn Minh Ngọc, với tư cách Trưởng ban Tổ chức V.League, bước xuống sân và làm một vài động tác can thiệp đúng như quyền hạn, trách nhiệm của mình.

Thật tiếc, cả Chủ tịch VPF lẫn Trưởng ban tổ chức đều có mặt trên khán đài sân Thống Nhất. Họ ngồi im lặng, không làm gì cả và để những trò hề xấu hổ cứ tiếp tục diễn ra.

Nếu họ xuất hiện, nói hay làm “một điều gì đó”, như tiếc nuối mà vị giám sát kia chia sẻ, có thể các giám sát và tổ trọng tài trong đó có trọng tài chính Nguyễn Trọng Thư đã có thêm điểm tựa để xử lý tình huống tỉnh táo hơn, chứ không đến mức “loạn đao pháp”, vận dụng sai cả luật khi yêu cầu Minh Nhựt phải đứng giữa cầu môn hay sau đó chọn giải pháp thổi còi kết thúc trận đấu sớm khi thời gian thi đấu chính thức chưa đủ, khi bị đẩy vào tình huống éo le mà cầu thủ Long An “đình công” đứng im, còn cầu thủ TPHCM ghi thêm 2 bàn nữa ở chỗ không người sau khi thực hiện quả penalty “độc nhất vô nhị”. Nếu có sự can thiệp, có thể sẽ không có chuyện người đứng đầu đội bóng Long An chạy xuống sân phản ứng, “đổ thêm dầu vào lửa” cùng với các thành viên Ban huấn luyện khiến cho cầu thủ vốn đã mất kiểm soát lại càng thiếu lý trí hơn.

Màn bi hài kịch kéo dài những 10 phút và biết bao trò hề xuất hiện trên sân Thống Nhất để rồi sau đó cả Long An, V.League lẫn bóng đá Việt Nam một lần nữa nổi tiếng khi cả thế giới nhắc đến. Đó là điều thực sự đáng tiếc lẫn đáng trách.

Họ đã ở đấy nhưng ngồi im lặng, trong bất lực nhìn mọi thứ vuột khỏi tầm kiểm soát và giờ là vô số hệ quả mà đến ngay người trong cuộc cũng không ý thức hết, sau một sự cố hổ thẹn của bóng đá Việt.

Và ước mong “Tái ông thất mã…”

Những lời xin lỗi, những ân hận muộn màng, những án kỷ luật và lá đơn xin nghỉ…, giờ là án phạt cho những sai phạm trong một vụ việc mà Bộ VHTTDL phải có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục TDTT, VFF xử lý nghiêm khắc vụ việc để qua đó, một lần nữa chấn chỉnh giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Trong vô vàn những ý kiến chỉ trích, đả kích và cả bêu riếu, thật lạ là có không ít người cho rằng hoạt cảnh bi hài trên sân Thống Nhất biết đâu lại là… điều tốt. Bởi như trần tình của đội trưởng Quang Thanh của CLB Long An thì “biết là sai, chấp nhận bị phạt và không thể không phản ứng, bởi phải làm để tất cả thấy rõ…”. Và bởi bóng đá nội bị ác cảm, xấu thì cũng xấu rồi, không thể xấu hơn nữa, nên những sự cố liên tiếp và trò hề ở Thống Nhất có thể sẽ là “giọt nước tràn ly” để những người có trách nhiệm hành động.

Long An sai sẽ chịu án phạt như là cái giá phải trả. Thế nhưng họ là thủ phạm mà bản chất cũng chỉ là nạn nhân, ở một giải đấu tồn tại quá nhiều vấn đề lâu nay như những ung nhọt cần một cuộc đại phẫu.

Đó là công tác trọng tài, là ám ảnh về tiêu cực và những “cái sai tư tưởng” mà đội bóng nào cũng có thể tố cáo, cầu thủ, HLV nào cũng ám ảnh thành vết hằn trong đầu khi ra sân, khi gặp sự cố.

Đó là VPF - một đơn vị được sinh ra, giao trách nhiệm điều hành, quản lý và tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp nhưng sau 6 năm, việc giải đấu rơi vào tình trạng “loạn” mà các đội bóng, từ lãnh đội, HLV, cầu thủ đến khán giả đều luôn trong tình trạng đối đầu và phản kháng với Ban tổ chức, trọng tài chính thay vì tinh thần ủng hộ, xây dựng là nghịch lý.

Đó là VFF, với sự bất lực và khả năng chi phối, kiểm soát, định hướng bóng đá chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm với những nghịch lý của bóng đá Việt sau gần 20 năm đi lên chuyên nghiệp.

Những người có trách nhiệm, họ không thể cứ ngồi đó, im lặng trong bất lực mà phải làm gì đó để những trò hề không còn xuất hiện nữa…

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/ho-can-phai-lam-gi-do-640570.bld