Hình sự hóa tài sản không rõ nguồn: Cảnh tỉnh người gian

Khi nói đến vấn đề kê khai tài sản, tham nhũng cần có 2 thứ là tường minh và trung thực, đặc biệt là quy định rõ ràng.

Tài sản từ nguồn gốc đen tối phải bị thu hồi

Trước đề xuất của ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) chia sẻ, sắp tới khi sửa luật cần đề nghị phải hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Thành Can - phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự , Học viện Hành chính Quốc gia ủng hộ việc làm này.

Cụ thể hơn, ông Can phân tích: "Trước hết, đề nghị của những người có thẩm quyền phải được căn cứ trên hệ thống các quy định hiện hành, trên thực tiễn hiện nay và trên mong muốn, ý đồ của các nhà lập pháp, cũng như những người có trách nhiệm.

Ở đây, xét về quy định hiện hành về kê khai tài sản vẫn có nhiều điểm chưa rõ ràng, nhiều người kê khai xong cũng chưa thể xử lý vì chưa có quy định".

Theo ông Can, hiện nay thực tế rất phức tạp, có người chỉ kê khai để lấy vì, có người kê khai không trung thực nhưng cũng không thể chứng minh họ làm sai. Cho nên, đã đến lúc có những quy định vì chúng ta phải tiến hành làm sao cho những vấn đề liên quan tham nhũng, lợi ích nhóm không có đất để tồn tại.

PGS.TS Ngô Thành Can - Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự , Học viện Hành chính Quốc gia

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương cho biết: "Tôi thấy hướng hình sự hóa tài sản không rõ nguồn gốc là tốt, vì xu hướng hiện nay là tất cả phải công khai, minh bạch và trong sạch.

Cho nên tất cả những chuyện này, kinh nghiệm phải xử lý, nếu không minh bạch, rõ ràng bằng con đường đen tối để có tài sản đó thì nhà nước phải hình sự hóa, phải thu hồi.

Thiết nghĩ phải hình sự hóa thì mới nghiêm được, chứ còn lòng tham con người vô đáy, cũng có thể coi đây là hồi chuông cảnh tỉnh, để cho người ta không phạm tội lỗi vừa có tính nhân văn, vừa có tính răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu những kể gian tham".

Các quy định phải tường minh, rõ ràng

Riêng về giải pháp để thực hiện được chủ trương trên, theo ông Hùng, đầu tiên, về pháp luật phải xem còn chỗ nào chưa đồng bộ, trên cơ sở đó rà soát ý kiến dân, rồi đưa ra các quy định về nội bộ, hành chính.

Từ đó, việc xử lý sẽ được nhân dân phát hiện cùng, khi đó, chính xác sẽ không nhầm lẫn, phải đi vào từng vụ một, đó là yêu cầu cơ bản. Đặc biệt, phải luôn luôn rút kinh nghiệm.

Những người có quyền phán xét phải là những người công tâm, vô tư, không bị chi phối bởi bất cứ quyền lực nào, không nể nang, không né tránh, không loại trừ bất kỳ ai. Ai có nhiệm vụ giải trình phải giải trình, có khó khăn thì hỏi chuyên gia, rộng thêm thì hỏi nhân dân sẽ có đáp số rõ ràng.

Bàn về giải pháp, PGS.TS Ngô Thành Can thì lại cho rằng, phải yêu cầu kê khai tài sản của những người liên quan, đồng bộ với đó là kê khai thu nhập thường xuyên của cán bộ, công chức.

Đồng thời, hình thành kênh thông tin để cho người liên quan, người quan sát được, có thể thông báo, tố cáo, xem xét, ngay cả người kê khai trung thực cũng phải giải thích nguồn gốc tài sản.

"Khi làm phải chấp nhận chỉ làm được từ khoảng thời gian nào đến khoảng thời gian nào, vì không thể quay lại chục năm trước, thường phải chấp nhận một giai đoạn nào đó.

Có thể lấy ví dụ một người rất đàng hoàng, có một khoản tiền, đúng thời điểm sốt đất họ mua được một miếng, có đầu óc kinh doanh họ tiến hành đảo đi đảo lại, lúc đó chắc chắn giá miếng đất sẽ tăng, tài sản của họ cũng tăng theo, nên có thể bỏ qua các trường hợp này, giới hạn lại bớt đối tượng.

Nhưng có những người có tài sản bất minh, tự nhiên tăng lên đáng ngờ thì lại khác, khi đó cần có quy định mới xác định được nguồn gốc tài sản.

Như một số cán bộ giải thích kiếm chục tỷ đồng nhờ buôn chổi đót, nuôi lợn, chở xe ôm, đó là cách giải thích mang tính khôi hài, nói lấy được. Thậm chí, trong một số cuộc gặp gỡ cử tri được báo chí tường thuật, nhiều người thắc mắc thẳng cán bộ nói giàu lên nhờ nuôi lợn, buôn chổi, vậy hãy nêu cách thức cho nhân dân học hỏi làm theo. Qua đó có thể thấy, đây là những cách giải thích làm nhức nhối, đau lòng thêm với các nhà quản lý", ông Can nói thêm.

Và vị chuyên gia này cũng chỉ thêm, việc bổ sung giải thích rõ nguồn gốc tài sản cán bộ vào điều kiện bổ nhiệm, mở rộng đối tượng kê khai là việc cần làm, ít nhất cũng phải làm được như vậy.

"Trước đây, khi nói đến vấn đề kê khai tài sản, tham nhũng, tôi vẫn cho rằng cần có 2 thứ là tường minh và trung thực. Tức là anh có quy định về nguyên tắc tường minh, tường minh về tài sản của họ, tường minh với tài sản con cháu, những người liên quan; trung thực là liên quan đến vấn đề đạo đức, có cái đấy kết hợp với nhau, từng bước sẽ làm được.

Chúng ta phải xác định đưa ra quy định, chuẩn hóa các quy định. Bbây giờ chỉ kê khai, nhiều hay ít, trung thực hay không cũng chưa làm rõ được, nhiều người kê khai nhiều đi chăng nữa nhưng không truy thêm, chỉ dừng lại ở đó thì cũng bằng không.

Khi đã quy định hóa, các bước tiếp theo làm rõ nguồn gốc khi đó mới làm được. Nếu không chứng minh được nguồn gốc, ở nước ngoài họ tịch thu ngay. Về điều này, chúng ta có thể học hỏi từng bước", ông Can nhận định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hinh-su-hoa-tai-san-khong-ro-nguon-canh-tinh-nguoi-gian-3339056/