Hình ảnh một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp

(Tamnhin.net) - Giờ đây, không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp tại các doanh nghiệp lớn, nhà hàng, khách sạn…, thậm chí tại các cửa hàng nhỏ trên địa bàn thành phố. Họ đang ngày đêm âm thầm giữ ổn định, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Xu hướng chung của các doanh nghiệp hiện nay là hạn chế tuyển, đào tạo nhân viên làm bảo vệ mà ký hợp đồng với một công ty bảo vệ chuyên nghiệp. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ sẽ có những tiêu chuẩn riêng cho hình ảnh chuyên nghiệp của nhân viên bảo vệ. Nhưng tựu trung lại, một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của người Việt sẽ có những đặc điểm tiêu biểu dưới đây: 1. Đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và ngoại hình Điều kiện để trở thành một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp đòi hỏi những ai đam mê với nghề này phải vượt qua vòng sơ tuyển về ngoại hình và sức khỏe khá khắt khe: nam thanh niên phải đạt tiêu chuẩn cao trên 1,68 m, cân nặng trên 57 kg; nữ từ 1,58 m, cân nặng 50 kg trở lên; có sức khỏe tốt, dẻo dai, nhanh nhẹn và chịu được áp lực công việc trong các môi trường chuyên nghiệp hóa cao. Các công ty bảo vệ chuyên nghiệp có quy trình tuyển người khá giống nhau. Thí sinh phải qua kiểm tra thị lực, thính lực và đặc biệt là kiểm tra thể lực ban đầu bằng động tác chống đẩy trong 45 giây (tương đương 45 lần). Ở vòng chiều cao, cân nặng, mắt, tai có thể lọt qua dễ dàng, song đến vòng chống đẩy nhiều "sĩ tử" đã phải đầu hàng. Trong buổi thi tuyển vào Công ty bảo vệ Đại Gia (Gia Lâm, Hà Nội), Trần Mạnh Hùng, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT, dù hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn nhưng cũng đành ngậm ngùi gác lại mơ ước trở thành vệ sỹ. Đến vòng thể lực anh lấy hết bình sinh cũng chỉ chống đẩy được vài lần. Đối với người vệ sĩ – bảo vệ chuyên nghiệp, một sức khỏe dẻo dai là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Theo thống kê, hầu hết những người thành lập hoặc đến làm việc tại các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, đều là những người từng trải qua cuộc đời quân ngũ hoặc từng là công an, bởi lẽ họ đã quen với cuộc sống luôn phải rèn luyện, công việc có tính kỷ luật cao của quân ngũ nên nắm bắt nhanh và gắn bó lâu dài với nghề hơn các đối tượng khác. 2. Không chỉ là nghề “cơ bắp” Một bảo vệ chuyên nghiệp không đơn thuần chỉ cần những tác nghiệp của cơ bắp, thể lực mà cần phải có hiểu biết văn hóa đầy đủ, ứng xử lịch sự và thông minh. Có thể ví một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp ngang với một điệp viên chuyên nghiệp, tức là anh phải có kĩ năng ứng biến linh hoạt, hiểu biết pháp luật và hành xử nghĩa hiệp… Ngày nay, để trở thành một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp bạn sẽ phải trải qua các khóa học về nghiệp vụ chuyên môn như: Pháp luật, các quyền và nghĩa vụ của bảo vệ, điều lệnh tác phong, phòng cháy chữa cháy, sơ cứu thương. Tiếp đến là những nghiệp vụ chuyên sâu như bảo vệ nhà máy, ngân hàng, chuyển tiền, bảo vệ sự kiện, yếu nhân… Khác hàng mỗi lần tìm đến dịch vụ bảo vệ đều rất kén chọn về chất lượng đào tạo chuyên môn của nhân viên bảo vệ bao gồm: nhận thức con người, văn hóa ứng xử, thương hiệu và những cam kết an toàn… Do đó, nhân viên bảo vệ cần phải hành xử chuyên nghiệp hơn bao giờ hết. Và với quy định của pháp luật Việt Nam, nhân viên vi phạm sẽ dẫn đến đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ, nên các doanh nghiệp đều rất coi trọng việc đào tạo nhân viên bài bản và chuyên nghiệp. 3. Cần nhất là cái tâm trong sáng Ông Lê Tiến Dũng - Cố vấn nghiệp vụ công ty TNHH Bảo Vệ Dũng Cảm, một trong những công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ được khách hàng lựa chọn nhiều nhất ở Việt Nam đã phát biểu: “Ngoài những yếu tố cần có của một bảo vệ như trình độ học vấn, đảm bảo những tiêu chuẩn chung về sức khỏe, yếu tố cốt lõi nhất để trở thành một bảo vệ chuyên nghiệp chính là phải có cái tâm trong sáng. Thiếu đi yếu tố này, người bảo vệ không thể khoác lên mình sứ mệnh của nghề… Bài học đầu tiên học viên cần được dạy trước khi trở thành một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp phải là đạo đức nghề nghiệp”. Vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Thương mại Quốc tế - ITC mấy năm trước, nhân viên CTCP bảo vệ Long Hải cứu được gần 300 người. Anh Vũ Tín, một trong những nhân viên đó, được người dân TP HCM nhớ mãi về lòng dũng cảm, song lý do anh lao vào lửa cứu người thật giản đơn, với cái tâm thật trong sáng: "Tôi đã cứu được 2 người, lúc đó nếu có chết cũng vẫn lãi được một người". Bất cứ nghề nào muốn thành công cũng cần có tâm có tài, nhưng hơn ai hết, một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp cần phải đặt chữ Tâm lên trên hết, bởi nghề này liên quan nhiều đến tài sản và tính mạng con người, không có cái tâm trong sáng và “cái đầu mát” thì khó mà bám trụ được với nghề chứ nói gì đến thành công. Thanh Loan

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/daotao/6036/hinh-anh-mot-nhan-vien-bao-ve-chuyen-nghiep.html