Hình ảnh con trâu trong tâm thức người Cơ Tu

Khác với nhiều dân tộc khác canh tác lúa nước coi trọng con trâu là đầu cơ nghiệp, người Cơ Tu ở vùng cao làm lúa rẫy và hoàn toàn không dùng trâu để sản xuất lương thực. Nhưng xét về khía cạnh văn hóa, con trâu được xem là hình ảnh được đề cao trong nghệ thuật điêu khắc cũng như nghi thức tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.

Bậc cửa khắc hình ảnh con trâu trên nhà gươl bản Canool, xã A Xan, Tây Giang, Quảng Nam. Ảnh: TTH

Tận mắt chiêm ngưỡng nhiều ngôi nhà gươl trong các bản làng của người Cơ Tu tại Tây Giang, Quảng Nam và tìm hiểu qua các nghệ nhân dân gian đã tự tay điêu khắc, xây dựng các ngôi nhà cộng đồng đó, chúng tôi mới hiểu phần nào ý nghĩa của hình ảnh con trâu. Hầu như ngôi nhà gươl nào cũng có bản khắc gỗ con trâu ở bậc cửa bước vào nhà. Hình ảnh trâu được khắc mặt chính diện, cặp sừng cong nổi hai bên, đầu hơi cúi xuống và đôi mắt bên cạnh 2 tai quặp xuống. Khi bước vào nhà gươl, ta có thể bắt gặp hình tượng trâu ở trên các vách gỗ, thậm chí là trâu được vẽ trên nhiều tấm gỗ nối lại với nhau, hoặc các khớp mộng ở đầu hồi được làm cong hình sừng trâu để ghép mộng.

Một chi tiết không kém phần quan trọng là hình một cặp sừng trâu đẽo bằng gỗ trên nóc nhà ở, hoặc nóc nhà gươl, nếu thiếu chi tiết này, ngôi nhà trở lên lạc điệu và thiếu thẩm mỹ. Đối với một số dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn, quan tài bằng gỗ dành cho người chết cũng được đẽo khắc hình con trâu ở trước. Đặc biệt là tượng nhà mồ, hình sừng trâu không phải là vật hiếm. Nhà mồ của người Cơ Tu ở xa khu dân cư, thường nằm ở phía Tây của bản làng.

Hình ảnh rõ ràng nhất của một nhà mồ là cái đầu trâu ở hai đầu quan tài và đầu hồi nóc nhà mồ. Một khúc gỗ được gắn hình con trâu và thân cây gỗ cũng là thân quan tài. Điều này liên tưởng tới việc người chết được nằm trong bụng con trâu để sang thế giới bên kia. Như vậy, hình tượng trâu được dùng với ý nghĩa khác hẳn và chưa được gặp trong nền văn minh lúa nước. Phải chăng vẫn còn nhiều bí ẩn trong kho tàng văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Con trâu đối với các dân tộc Tây Nguyên là của cải, được dùng như sính lễ, nguồn tài chính dự trữ hoặc là vật nuôi có giá trị có thể bán, đổi. Vì vậy, con trâu được quy ước là con vật trung gian, là sứ giả đại diện. Nếu con trâu được dùng trong lễ cầu mùa, cầu mưa thì xem như sứ giả của con người lên gặp thần linh. Người Cơ Tu có điệu hát lý khóc trâu, thương trâu sau khi bị đâm chết. Nghi lễ đâm trâu cũng bao gồm các phần lễ, nghi thức phức tạp và nghiêm cẩn.

Có thể nói, nghệ thuật dân gian là sự mô phỏng rất tự nhiên đời sống con người. Nghi lễ đâm trâu hình thành dưới dạng một cuộc hiến tế theo tâm thức thờ thần linh. Vì vậy, hình ảnh con trâu dễ dàng đi vào đời sống, trở thành quen thuộc, xuất hiện trong các định chế văn hóa dân gian. Một điều sai lầm cho rằng, người Cơ Tu sùng bái hình tượng con trâu và thần linh hóa con vật này, những nhận định đó không có cơ sở khoa học. Trong các ngôi nhà gươl của người Cơ Tu, hình ảnh con người vẫn là trọng tâm. Các hình khắc người nam và nữ, theo phong cách miêu tả tâm trạng, hoặc tượng nhà mồ cũng được mô phỏng theo các động tác khi lao động và sinh hoạt rất cụ thể chứ không miêu tả như một hình tượng được tôn thờ. Ngoài ra, bên trong ngôi nhà gươl trang trí nhiều bộ xương đầu của các con thú mà trai tráng trong làng săn được.

Trước đây, khi việc săn bắn còn diễn ra, trên vách nhà gươl có nhiều xương đầu của bò tót, gấu, báo và các con thú hung dữ, quý hiếm. Nhà gươl nào càng nhiều xương thú dữ săn được là càng thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của cộng đồng. Sau này khi việc săn bắn không còn được khuyến khích và được quy định bởi các chính sách bảo vệ rừng và động vật quý hiếm thì đầu trâu mới xuất hiện ở trong các nhà gươl. Hiện nay, xương đầu của các con trâu chết trong lễ đâm trâu thường được cài trên vách của nhà gươl thể hiện sự phát triển tự nhiên kiểu dân gian. Đời sống đi tới đâu, văn hóa dân gian đi tới đó, không có quy định mang tính linh thiêng, khiên cưỡng.

Không có mối liên quan giữa văn minh lúa nước của người đồng bằng và văn hóa thẳm sâu của đại ngàn trong cùng một hình tượng con trâu. Cũng không thể tùy tiện liên tưởng giữa ngôi mộ hình đầu trâu của người Cơ Tu và mộ thuyền của văn hóa Đông Sơn khi chưa có những căn cứ khoa học xác đáng. Hình ảnh con trâu trong văn hóa đời sống của người Cơ Tu đang còn để ngỏ nhiều lời giải. Thú vị ở chỗ hình ảnh đó đang song hành cùng đời sống của người Cơ Tu - một dân tộc giàu bản sắc văn hóa trên đại ngàn Trường Sơn.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hinh-anh-con-trau-trong-tam-thuc-nguoi-co-tu/