Him Lam và Sacombank có mối quan hệ làm ăn lâu dài từ trước?

Ông chủ của Him Lam Dương Công Minh ngoài lợi thế có nghề bất động sản còn có nghề về ngân hàng và có “tiền tươi thóc thật” để tham gia vào tái cơ cấu Sacombank vẫn là vấn đề mà dư luận quan tâm?

Ông Dương Công Minh có nghề ngân hàng?

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang “nóng” hơn bao giờ hết bởi bộ máy nhân sự cao cấp của ngân hàng này đang dần được lộ diện. Đây là điều mà thị trường trông đợi bấy lâu.

Thời gian gần đây, tin đồn ông Dương Công Minh sẽ tham gia tái cơ cấu Sacombank ngày càng nhiều. Và nếu tin đồn này là thật thì Công ty CP Him Lam phải thoái vốn hết khỏi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), để tránh trình trạng xử lý chéo ngân hàng.

Mới sáng nay (27/6/2017), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức công bố việc Him Lam đã không còn là cổ đông của ngân hàng này. Cụ thể, Công ty Him Lam trước đó là cổ đông lớn nhất tại LienVietPostBank với việc sở hữu 96,77 triệu cổ phiếu, tương đương 14,98% vốn điều lệ. Và ông Dương Công Minh - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) LienVietPostBank đang sở hữu 99% cổ phần Him Lam. Với việc bán hết số cổ phiếu sở hữu, Him Lam đã không còn là cổ đông của ngân hàng từ ngày 23/6/2017.

Nếu ngồi vào “ghế nóng” của Sacombank, thách thức lớn nhất với ông Dương Công Minh sẽ chính là con số gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu chờ xử lý. Trong số nợ xấu này, có những khoản vay liên quan đến bất động sản rất khó xử lý.

Công ty CP Him Lam của ông chủ Dương Công Minh có vay vốn của Sacombank từ trước hay vẫn là câu hỏi được dư luận quan tâm?

Chia sẻ với báo chí mới đây, tân Chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng: Ứng cử viên tham gia tái cơ cấu Sacombank phải có nghề ngân hàng, bất động sản và có tiền. Như vậy, ngoài lợi thế có nghề bất động sản, thì ông Minh đã có nghề về ngân hàng và có “tiền tươi thóc thật” để tham gia vào tái cơ cấu Sacombank?

Ông Dương Công Minh cho dù rất kín tiếng trước công chúng nhưng rất nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản. Him Lam của doanh nhân gốc Bắc Ninh này là một "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giải trí, sân golf,... tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và 1 số địa phương khác.

Như vậy về nghề bất động sản thì hẳn ông Minh đã có tên tuổi nhất định trên thị trường này. Rõ ràng, nhắc đến ông Dương Công Minh là nhắc đến Him Lam và nhắc đến LienVietPostBank là nhắc tới ông Hưởng. Hẳn nhiên không ai phủ nhận được vai trò của ông Hưởng trong sự hình thành và phát triển của LienVietPostBank, cũng như vai trò của ông Minh ở Him Lam trong thời gian qua. Vì thế mới có câu nói “Minh Him Lam, Hưởng Liên Việt” là vì thế.

Him Lam có vay vốn của Sacombank?

Vấn đề cổ đông nào sẽ nắm quyền quản trị Sacombank trong nhiệm kỳ mới thực sự trở nên cấp thiết, vì ngân hàng này vẫn là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cổ đông mới tham gia vào Sacombank dựa vào năng lực tài chính thật hay bằng những nguồn vốn vay “lòng vòng”. Câu chuyện tin đồn liên quan đến nhóm cổ đông Him Lam cũng cần được các cơ quan chức năng đánh giá kiểm soát thật chặt. Nhóm công ty liên quan đến tập đoàn Him Lam, ông Dương Công Minh có từng vay vốn tại Sacombank hay chưa, hiện còn dư nợ tại ngân hàng này hay không - đó cũng chính là những câu hỏi cần giải đáp công khai trước dư luận.

Thật ra, nếu Him Lam và Sacombank có mối quan hệ hợp tác làm ăn thì cũng không có gì lạ. Him Lam phát triển mạnh trong lĩnh vực bất động sản nên nhu cầu vốn là rất lớn và thường xuyên; Trong khi Sacombank luôn là một trong những tổ chức tín dụng năng động và giàu năng lực cho vay bậc nhất thị trường.

Cũng không khó để tìm thấy các dự án bất động sản của tập đoàn Him Lam mà trong đó, Sacombank đóng vai trò là ngân hàng bảo lãnh, chẳng hạn như Dự án Him Lam Chợ Lớn (Quận 6, TP. HCM).

Hay gần hơn, trong sự hợp tác giữa hai đơn vị còn có thể kể đến dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, tọa lạc tại phường An Phú, Quận 2, TP.HCM, với diện tích lên tới 1.174.221,9 m2 (hơn 117 ha).

Tuy nhiên tiến độ triển khai dự án không như kế hoạch đề ra và đến cuối năm 2014, UBND TP HCM đã đề nghị đưa sân golf này ra khỏi danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 của Thành phố. Đề xuất này được Thủ tưởng Chính phủ chấp thuận. Sau khi bỏ quy hoạch sân gofl, đầu tháng 11/2015, UBND TP HCM đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị - Bình An (điều chỉnh từ dự án Saigon Golf Country Club and Residences). Tính chất là khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Tiếp đó, đến ngày 30/11/2015, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 6292/QĐ-UBND về duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Sài Gòn - Bình An, với quy mô diện tích và giới hạn quy hoạch như đã được đề cập phía trên. Chủ đầu tư dự án vẫn là SDI.

Theo trang tin Viettimes đã thông tin mới đây, thì 20 năm trôi qua, dự án Saigon Golf Country Club and Residences và nay là Khu đô thị Sài Gòn - Bình An hiện vẫn còn khá ngổn ngang. Không hiểu vì lý do gì năm 2016 vừa qua, Sacombank chấp nhận đổ 20.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng vào đây. Vậy hiện ai là chủ nhân thực sự của dự án này?

Chủ đầu tư của nó – CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI), vẫn là một cái tên có khá xa lạ trên thị trường bất động sản. Sẽ bất ngờ nếu biết rằng, SDI vốn được thành lập từ rất sớm – ngày 21/4/1999, tức là già hơn đáng kể so với hàng loạt ông lớn bất động sản Việt Nam hiện nay.

Tài liệu thu thập cho thấy, công ty này do 1 pháp nhân và 6 cá nhân góp vốn sáng lập, bao gồm Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Thiên Hải (nay là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải) và các ông/bà: Lê Thu Hà, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Việt Chi, Phùng Thị Quỳnh Yến, Trần Thị Ý Chi, Vũ Thị Ngọc Anh.

Đến thời điểm này, 7 cái tên sáng lập vẫn còn duy trì cổ phần tại SDI song khối lượng hết sức hạn chế, với tổng tỷ lệ sở hữu chỉ là 2,7%. Tháng 6/2016, SDI bất ngờ tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 845 tỷ đồng lên thành 3.845 tỷ đồng, với hầu hết cổ phần (308.788.000 trong tổng số 384.500.000 cổ phần) thuộc sở hữu của Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land).

Cần nói thêm rằng Him Lam Land là doanh nghiệp được sở hữu bởi Công ty CP Him Lam (hay Tập đoàn Him Lam) của “đại gia” Dương Công Minh.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/him-lam-va-sacombank-co-moi-quan-he-lam-an-lau-dai-tu-truoc-d59002.html