Hillary và Trump, ai 'rắn' với Trung Quốc hơn?

Châu Á đang theo dõi sít sao cuộc đua vào Nhà Trắng của Hillary Clinton và Donald Trump.

Theo Asia Times, đó là bởi các chính sách và cách tiếp cận của bất kỳ ai nắm trong tay chìa khóa vào Phòng Bầu Dục đều có ảnh hưởng to lớn, nhất là về thương mại và địa chính trị.

Là một trong những người quyền lực nhất hành tinh, Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ đóng một vai trò chủ đạo trong cách thức tương lai châu Á phát triển và được kiểm soát. Điều này đặc biệt đúng về phương diện ảnh hưởng từ các quyết định và lập trường của họ lên các thị trường tài chính toàn cầu.

Vậy hai ứng viên tổng thống Mỹ hiện nay có ảnh hưởng thế nào đến châu Á?

Thương mại

Để hưởng lợi từ tiềm năng phát triển to lớn của châu Á, Tổng thống Obama đã đàm phán Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thúc đẩy hơn nữa thương mại tự do. Nhưng thỏa thuận này nhiều khả năng sẽ bị "dội nước", thậm chí đổ vỡ dù ai làm ông chủ Nhà Trắng tiếp theo. Điều này sẽ gây khó chịu cho các nước đã đặt bút ký.

Khi được Đảng Dân chủ đề cử, Hillary Clinton bị coi là tỏ ra hoài nghi các thỏa thuận thương mại – trong đó có TPP, hiệp ước mà chính bà góp công giới thiệu. Tương tự, phe Cộng hòa cũng ngày càng nghiêng theo hướng thương mại chống-tự do kể từ khi Đảng Trà gây áp lực lên các nghị sĩ. Đó là một làn sóng xúc cảm mà Donald Trump chỉ có thể quá vui mới dám cưỡi.

Nhưng bất kỳ một chế độ thương mại nào khuyến khích quy định của pháp luật và tiêu chuẩn hóa các cách thức làm kinh doanh thì đều sẽ giúp ích cho tăng trưởng khu vực, và khiến một số nước gặp khó nếu có ý đồ ức hiếp toàn khu vực thông qua các thỏa thuận thương mại và giành được ảnh hưởng chính trị.

Ngoài ra, trong bất kỳ một nỗ lực nào nhằm tái cân bằng thâm hụt thương mại của Mỹ với châu Á, Trump tuyên bố ông sẽ nâng hàng rào thương mại trước nhiều nhà sản xuất có tính cạnh tranh cao trong khu vực, trong đó có áp thuế quan hai con số lên hàng hóa từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Căng thẳng tiền tệ được cho là cũng sẽ bùng phát nếu tỷ phú Mỹ đắc cử. Trump từng cáo buộc một số nước đang "gian lận" nhờ định giá thấp đồng bản tệ, nên Trump nhiều khả năng sẽ xử lý các cải cách ngoại hối của Trung Quốc và thúc ép Ngân hàng Nhật Bản, nơi đang giữ cho đồng Yên thấp trước đồng đôla Mỹ.

Chính trị và địa chính trị

Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều cam kết sẽ "cứng rắn với Trung Quốc". Điều này có thể đơn giản chỉ là một cách nói hoa mỹ chính trị. Gần như mọi ứng viên trong nhiều thập niên qua đều dùng lá bài này trong các cuộc bầu cử, nhưng ngay khi lên nắm quyền, chẳng có Tổng thống Mỹ nào phớt lờ được sức mạnh của kinh tế Trung Quốc và tầm ảnh hưởng quốc tế của nước này.

Đối với Bắc Kinh, Hillary Clinton chứng tỏ là một kiểu người khó khăn nào đó, đặc biệt về các vấn đề như tự do internet... và niềm tin của bà rằng Trung Quốc nên bị kiềm chế. Bà cũng đặt trọng tâm vào quyết định có 60% hạm đội Mỹ đóng tại châu Á vào năm 2020.

Về phía Trump, không có thành tích nào để đánh giá ông về chính trị và trùm bất động sản này vẫn là một nhân tố bí ẩn đối với Bắc Kinh. Trong khi đó, Trump bị coi là dễ tác động, mang lại cho Nga cơ hội phóng tầm ảnh hưởng ra "bên ngoài" gần nước này. Trung Quốc có thể cũng cảm thấy tương tự khi tìm cách gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng châu Á.

So với Donald Trump, chiến thắng thuộc về Hillary Clinton sẽ dẫn đến một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, và ủng hộ nhiều hơn cho NATO.

Về biến đổi khí hậu - một vấn đề chính ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á, có nhiều khác biệt thấy rõ giữa hai ứng viên. Trump không chấp nhận bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu, còn Hillary lại xác định đó là một "mối đe dọa khẩn cấp".

browser not support iframe.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/bau-cu-tong-thong-my-2016-do-anh-huong-toi-chau-a-cua-hillary-va-trump-337906.html