Hillary Clinton: 'Có những lúc tôi chỉ muốn cuộn mình và đọc sách…'

Mới đây cựu ứng viên đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ Hillary Clinton đã có buổi xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ sau khi thừa nhận thất bại trước ông Donald Trump, kêu gọi người ủng hộ tiếp tục đấu tranh vì một quốc gia đầy hy vọng và thú nhận bản thân cũng có những lúc trở nên yếu mềm.

Bà Clinton xuất hiện trong vẻ mệt mỏi sau thất bại trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ (Nguồn: Getty).

Vực dậy sau thất bại

“Tôi phải thừa nhận rằng xuất hiện ở đây vào tối nay không phải là điều dễ dàng nhất đối với tôi” – bà Clinton nói với những người ủng hộ tại Washington vào đêm 16/11 (giờ Mỹ) – “Đã có một vài lần trong tuần trước, tất cả những gì tôi muốn làm là cuộn mình trong chăn cùng với một cuốn sách, hay chơi với những chú chó cưng và không bao giờ rời khỏi nhà nữa”.

Trước đó, buổi xuất hiện mà bà Clinton tham dự đã được lên lịch sẵn và đó là trong một sự kiện do Quỹ Bảo vệ Trẻ em tổ chức, cũng là sự kiện mà bà từng bắt đầu sự nghiệp của mình cách đây hơn 4 thập kỷ. Chủ tịch của tổ chức, Marian Wright Edelman, một người bạn lâu năm, đã giới thiệu bà Clinton như một “vị Tổng thống của người dân” với đám đông người tham dự chủ yếu là nữ bên dưới, nhấn mạnh thực tế rằng số phiếu phổ thông mà bà giành được hơn đối thủ đến 1 triệu phiếu.

“Tôi biết trong suốt tuần qua, nhiều người đã tự hỏi mình rằng liệu Mỹ có phải một quốc gia như họ từng mong muốn” – bà Clinton nói – “Sự chia rẽ bộc lộ một cách trần trụi trong cuộc bầu cử này rất lớn. Nhưng xin hãy lắng nghe khi tôi nói điều này: Nước Mỹ xứng đáng với sự kỳ vọng. Con em của chúng ta xứng đáng với nó. Hãy tin vào đất nước này và đấu tranh vì những giá trị của chúng ta, đừng bao giờ từ bỏ”.

“Như câu nói của Martin Luther King, thường được dẫn lại bởi Tổng thống Obama: “Vòng cung của vũ trụ đạo đức dài nhưng nó bị bẻ cong về phía công lý”. Tôi biết đôi lúc có cảm tưởng như nó dài vô tận, nhưng hãy tin tôi, tôi biết, đôi lúc nó cũng bẻ cong” – bà Clinton nói thêm.

Theo một cố vấn của bà, cựu Đệ nhất phu nhận lựa chọn tham gia vào sự kiện này dù đang rất mệt mỏi là bởi nó giống như việc bà trở về với khởi nguồn của mình.

Năm 1969, khi còn là một sinh viên năm nhất, lúc bấy giờ nữ sinh Clinton đã tham gia vào một buổi nói chuyện với nhà sáng lập Quỹ Bảo vệ trẻ em Edelman tại Đại học Yale và tiếp cận bà để được tham gia vào tổ chức. Lúc đó, Edelman nói rằng tổ chức không có tiền để thuê người, nhưng nếu tìm được cách thì sẽ luôn chào đón cô nữ sinh nọ.

“Và bà ấy đã làm được” – bà Edelman, giờ là một cố vấn của bà Clinton, kể lại – “Bà ấy luôn luôn có khả năng giải quyết được vấn đề, dù là gì đi nữa”.

Trong những giờ phút cuối của bài phát biểu, bà Clinton cũng nhắc tới người mẹ quá cố của mình, bà Dorothy Rodham, người mà sự kiên cường của bà thể hiện trong những lúc khó khăn đã trở thành một thông điệp trung tâm mà bà phát đi trong suốt chiến dịch tranh cử của mình vừa qua.

“Tôi đã mơ được đi về phía bà, ôm lấy bà trong vòng tay và nói rằng: “Hãy nhìn con và lắng nghe. Mẹ sẽ vượt qua”– bà Clinton nói với giọng run run đầy cảm xúc – “Mẹ sẽ có một gia đình của riêng mình, ba người con. Và khó có thể tưởng tượng rằng, con gái của mẹ sẽ trưởng thành và trở thành một Thượng nghị sỹ, trở thành một Ngoại trưởng và giành hơn 62 triệu lá phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”.

Thất bại do cựu đối thủ?

Bài phát biểu của bà Clinton được đưa ra gần như ngay sau khi cựu đối thủ của bà trong cuộc đua giành vị trí ứng viên đảng Dân chủ, Bernie Sanders, bác bỏ tuyên bố cho rằng ông là một trong những nguyên nhân khiến bà thất bại.

Trong một bức thư gửi tới từ New York times mới đây, Theda Skocpol, một giáo sư xã hội học thuộc ĐH Harvard, từng cho rằng chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã bị làm xói mòn bởi ông Sanders trong khoảng thời gian đang cạnh tranh lẫn nhau: “Việc ông Sanders khước từ chấp nhận thấp bại trong lúc mà bà Clinton giành được nhiều hơn hàng triệu phiếu bầu, và đòn công kích của ông cho rằng bà Clinton là chính trị gia “suy đồi” đã đóng góp thêm vào thông điệp của ông Trump và dẫn tới chiến thắng khủng khiếp của ông”.

Ông Sanders nói tại một sự kiện về chính trị tổ chức tại ĐH George Washington hôm 16/11 rằng: “Chiến dịch tranh cử của tôi đã thu hút được hàng triệu người, tôi nghi ngờ về việc bà Clinton giành số phiếu vượt trội như vậy”.

Đề cập tới các bức email cá nhân bị rò rỉ bởi quản lý chiến dịch của bà Clinton, ông John Podesta, được công bố bởi Wikileaks, ông Sanders nói thêm: “Nói cho cùng, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) không phải một lực lượng trung lập trong chiến dịch này và chúng tôi đã phải tự lực cánh sinh. Liệu tôi có cho rằng chiến dịch của chúng tôi đã giúp bà Clinton trở thành một ứng viên tốt hơn không? Có chứ, tôi nghĩ vậy”.

Vào thời điểm kết thúc vòng bỏ phiếu, ông Sanders từng nói rằng bà Clinton có tư tưởng chống lại dự án đường ống dẫn dầu khí Keystone và Hiệp ước đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương và ủng hộ việc miễn chi phí học ĐH. Và giờ những điều này đã trở thành sự tiến bộ lớn nhất của đảng Dân chủ trong lịch sử nước Mỹ; ông Sanders nói.

Dù thất bại trong cuộc đua trở thành ứng viên đảng Dân chủ, ông Sanders vẫn giành được 18.183 lá phiếu trong ngày bầu cử vừa qua ở Vermont, giúp ông có được vị trí thứ ba sau bà Clinton và ông Donald Trump, với khoảng 5,7% lá phiếu bầu.

“Đã có một vài lần trong tuần trước, tất cả những gì tôi muốn làm là cuộn mình trong chăn cùng với một cuốn sách, hay chơi với những chú chó cưng và không bao giờ rời khỏi nhà nữa”; Hillary Clinton.

Dự định gì cho tương lai?

Hiện nay, có một câu hỏi rất phổ biến đối với người dân Mỹ đó là bà Hillary Clinton sẽ làm gì tiếp theo? Một nhân viên chiến dịch kỳ cựu của bà mới đây nói với tạp chí People rằng bà “thực sư chưa từng định liệu về việc thất bại” cuộc bầu cử và cho rằng “dường như không ai trong chiến dịch biết được ý định của bà Clinton”.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, David Gergen, một nhân viên thuộc đội ngũ Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, từng cho rằng bà sẽ lấy lại sức mạnh của mình từ đức tin tôn giáo. Carl Bernsetin, người viết tiểu sử của bà Clinton và là một trong số các nhà báo từng phơi bày vụ bê bối Watergate hồi những năm 1970, từng mô tả bà Clinton là một người có đức tin tôn giáo mãnh liệt, và luôn mang theo mình cuốn kinh thánh.

“Bà ấy luôn giữ đức tin, và chính điều đó đã thôi thúc bà phục vụ cộng đồng. Nhưng tôi nghĩ hiện tại bà ấy tin rằng bà đã làm tròn trọng trách đó” – ông Bernstein nói.

Nếu bà Clinton có ý định tranh cử lần nữa – và có thể đắc cử vào năm 2020 vào lúc 73 tuổi – bà sẽ trở thành vị Tổng thống lớn tuổi nhất đắc cử nhiệm kỳ đầu, dù lúc đó ông Trump đã 74 tuổi. Tuy nhiên, dù không tranh cử, với tư cách một thành viên trung thành của đảng Dân chủ, bà vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn như một người phụ nữ biểu tượng của đảng này.

Trong một buổi phỏng vấn khác với diễn viên hài nổi tiếng Zach Galifianakis hồi tháng 9 vừa qua, bà Clinton từng nói rằng nếu ông Trump đắc cử, bà sẽ “cố gắng ngăn chặn ông ta hủy hoại nước Mỹ”. Tuy nhiên, bà có thể đi theo con đường phi chính trị để thực hiện được điều đó.

Một số nguồn tin khác thì cho rằng bà Clinton có thể “giành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho Quỹ Clinton”, tổ chức từ thiện mà bà cùng chồng Bill Clinton đã thành lập cách đây 19 năm, một tổ chức cho phép bà tiếp tục nỗ lực đấu tranh vì quyền của phụ nữ.

Bà Clinton cũng có thể cân nhắc về việc xuất bản một cuốn tự truyện, với hy vọng sẽ cạnh tranh được với cuốn sách hồi ký của chồng bà xuất bản hồi năm 2004 có tên “My Life” với hơn 2 triệu bản được bán ra. Trước đây, năm 2003, bà cũng từng viết một cuốn tự truyện có tên “Living History”, nhưng với tư cách Thượng nghị sỹ New York đang tìm cách tranh cử lúc bấy giờ, bà bị hạn chế trong việc bộc bạch về cuộc sống cá nhân của mình.

Ngoài ra, bà cũng có thể lựa chọn đơn giản là từ giã sự nghiệp chính trị và an hưởng tuổi già. Con gái bà, Chelsea Clinton cùng con rể Mark, đã có 2 đứa con và bà Clinton trước đó cũng từng thổ lộ niềm vui của mình với chức trách của người bà đối với cô cháu gái 2 tuổi Charlotte và đứa cháu trai 4 tháng tuổi Aidan.

Các dự định có thể trong tương lai của Hillary Clinton:

* Viết tự truyện và cho xuất bản sách về quãng đời làm chính trị đầy biến động
* Tiếp tục tham gia các hoạt động cộng đồng
* Lên kế hoạch tranh cử trong năm 2020
* Rời khỏi chính trường, chăm sóc gia đình

Linh Chi

Từ khóa

hillary clinton ứng cử viên tổng thống mỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/hillary-clinton-co-nhung-luc-toi-chi-muon-cuon-minh-va-doc-sach/135646