“Hiệu ứng Pinocchio”: Phát hiện nói dối qua nhiệt độ gương mặt

Khi một người nói dối, "hiệu ứng Pinocchio" sẽ xuất hiện - nghĩa là nhiệt độ quanh vùng mũi và cơ ổ mắt trong góc trong của mắt tăng lên. Thêm vào đó, khi phải thực hiện một nỗ lực tinh thần quá lớn thì nhiệt độ gương mặt chúng ta sẽ hạ thấp xuống; ngược lại khi càng mang tâm trạng lo lắng thì nhiệt độ tăng lên. Đó là một số kết quả nghiên cứu được tiến hành tại Khoa Tâm lý học thực nghiệm thuộc Đại học Granada (Tây Ban Nha), nơi đã giới thiệu một số ứng dụng mới của phép ghi nhiệt độ, hay “in nhiệt ký” (thermography).

Ghi nhận nhiệt độ gương mặt để đánh giá cảm xúc.

Thermography là kỹ thuật dựa trên thân nhiệt được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp nói chung, kỹ thuật xây dựng và y khoa. Nói rõ ra, thermography là kỹ thuật chẩn đoán sử dụng máy chiếu tia hồng ngoại kiểm tra sự thay đổi nhiệt độ bề mặt để từ đó có được những hình ảnh về vị trí của những bộ phận phát triển không bình thường trong cơ thể.

Các camera in nhiệt ký có phạm vi sử dụng rộng rãi, như là đo sự mất năng lượng trong các tòa nhà, chẩn đoán các bệnh đường hô hấp ở trâu bò hay bệnh dại nơi gấu trúc Mỹ. Thermography được phát triển ở Mỹ trong Thế chiến II với mục đích dò tìm kẻ thù (quan sát ban đêm).

Hai nhà nghiên cứu Emilio Gomez Milan và Elvira Salazar Lopez ở Đại học Granada là những nhà khoa học tiên phong trong ứng dụng thermography trong lĩnh vực tâm lý học, và họ đã thu được nhiều kết quả mang tính bước ngoặt đáng quan tâm. Trạng thái hưng phấn tình dục và sự thèm muốn có thể xác định được nơi nam giới và phụ nữ khi sử dụng thermography - tức là sự tăng nhiệt độ ghi nhận được ở ngực và cơ quan sinh dục.

Nghiên cứu này chứng minh rằng, theo tâm lý học, nam giới và phụ nữ có trạng thái hưng phấn như nhau, ngay cả khi phụ nữ cho biết họ không thèm muốn hay chỉ hưng phấn... chút chút (!).

Các nhà khoa học cũng khám phá khi nỗ lực tinh thần trở nên căng thẳng (ví dụ khi thực hiện những công việc khó khăn, bị thẩm vấn về sự kiện đặc biệt hay đang nói dối) thì nhiệt độ của gương mặt sẽ có những sự thay đổi rõ nét. Khi chúng ta nói dối về cảm xúc bản thân thì nhiệt độ quanh vùng mũi tăng lên đồng thời thùy não trước bị tác động. Thùy não trước liên quan đến hoạt động dò tìm và điều chỉnh thân nhiệt.

Ở các bệnh nhân mắc phải bệnh liên quan đến thần kinh, như là bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis), cơ thể sẽ không điều chỉnh thân nhiệt đúng nên có thể dò thấy nhờ thermography. Kỹ thuật cũng được ứng dụng để xác định vị trí tích tụ mỡ trong cơ thể nên rất có ích cho chương trình tập luyện giảm cân ở người béo phì. Ngoài ra, thermography cũng được ứng dụng để đánh giá thân nhiệt của các bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa và người mắc chứng biếng ăn (anorexia) v.v…

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2013/1/79927.cand