Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên đã quên bài đạo đức đang dạy ở lớp 2, lớp 5?

Thật 'tình cờ', trong vở bài tập Đạo đức lớp 2 và lớp 5, có 2 bài học về 'Biết nhận lỗi và sửa lỗi' và 'Có trách nhiệm về việc làm của mình', nói đúng về vụ việc vừa xảy ra ở trường tiểu học Nam Trung Yên. Tiếc là hai cô giáo đã không 'thuộc bài'.

Trường tiểu học Nam Trung Yên

Trường tiểu học Nam Trung Yên

Trong cuốn sách Đạo đức lớp 5, ngay sau bài học đầu tiên - "Em là học sinh lớp 5" là đến bài học "Có trách nhiệm về việc làm của mình".

Bài học trong sách Đạo Đức lớp 5 có khẳng định: Mỗi người cần phải suy nghĩ trước khi hành động và chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Tiếc là hai vị lãnh đạo trường tiểu học Nam Trung Yên đã không "thuộc bài"

Trong bài tập củng cố kiến thức về bài học này, có tình huống một giáo viên vô tình đưa ra trong bài giảng điện tử của mình, có thể khiến không ít người giật mình.

Tình huống đặt ra là: "Hôm nay Minh dậy muộn nên đạp xe rất vội vã đến trường, khi đi tới đầu ngõ, xe của Minh va phải một em bé làm em ngã xuống đất. Cách xử lý nào dưới đây là đúng nhất?

a) Minh đang vội nên cứ thế đạp xe thẳng đến trường để kịp giờ học.

b) Minh dừng xe, mắng em bé "Đi đứng kiểu gì thế" rồi đạp xe đi thẳng.

c) Minh dừng xe nâng em nhỏ dậy, hỏi thăm em có sao không, nếu em nhỏ không sao thì xin lỗi em vì anh đi nhanh quá.

Có thể không ít người sẽ liên hệ tình huống này với trường hợp của cô hiệu trưởng và hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên, ngôi trường mà cư dân mạng đùa nhau là "nổi tiếng nhất Vịnh Bắc Bộ" trong thời gian vừa qua.

Trong một sự việc có thật, khi xe chở bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và hiệu phó Nguyễn Thị Hương vào sân trường, đâm phải cháu Trần Chí Kiên đang chơi đùa, khiến cháu ngã bệt xuống đất, bà Ngọc đã đi thẳng vào phòng Hội đồng.

Có lẽ nào bà Ngọc cũng "đang vội" như phương án a trong tình huống của cậu bé Minh ở trên? Thời điểm cháu Trần Chí Kiên bị tai nạn, bà có ngồi trên xe taxi nhưng không xác nhận xe chở mình gây tai nạn cho học sinh.

Chưa hết, cả hai cô còn có biểu hiện che giấu vụ việc như tiến hành phát phiếu khảo sát về việc không nhìn thấy xe đi trong trường ngày 1/12/2016; Ép giáo viên viết tâm thư bảo vệ mình...

Không những vậy, mặc dù đã được Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy động viên, làm việc trên tinh thần hướng tới trách nhiệm và sửa sai nhưng cô giáo Tạ Thị Bích Ngọc còn bao biện, vẫn viết đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng để che giấu cho hành vi của bản thân mình.

Chính cách hành xử quanh co, bày trò lấy phiếu khảo sát đã khiến dư luận phẫn nộ. Đỉnh điểm là thông tin cho rằng nhiều giáo viên đã bị ép viết tâm thư để xin giữ cô hiệu trưởng ở lại.

Có lẽ nào cô hiệu trưởng đã quên bài học trong sách Đạo đức lớp 5?

Vở bài tập Đạo đức lớp 2 có bài Biết nhận lỗi và sửa lỗi. Song hai vị lãnh đạo trường tiểu học Nam Trung Yên cũng quên bài học này.

Trong một câu chuyện khác ở bài học "Biết nhận lỗi và sửa lỗi" trong vở bài tập Đạo đức lớp 2, cũng đưa ra các giả thuyết khi có lỗi. Các phương án đặt ra là:

a. Người biết nhận lỗi là người trung thực, dũng cảm.

b. Nếu có lỗi chỉ cần tự sửa, không cần nhận lỗi.

c. Nếu có lỗi chỉ cần tự nhận lỗi, không cần sửa lỗi.

d. Cần biết nhận lỗi dù mọi người không biết mình có lỗi.

e. Cần xin lỗi khi có lỗi với bạn bè và em nhỏ.

f. Chỉ cần xin lỗi những người mình quen biết.

Mặc dù vụ việc lùm xùm về cô hiệu trưởng đã hơn 2 tháng, nhưng chưa lần nào người ta thấy cô hiệu trưởng tỏ ý xin lỗi. Nếu như ngay từ đầu, các cô đã trung thực nhận trách nhiệm và xin lỗi thì mọi chuyện có lẽ đã không trở nên ồn ào như hôm nay. Chính các cô là người đã đẩy sự việc đi quá xa.

Có lẽ nào các cô nghĩ rằng "Nếu không ai biết thì ta không cần nhận lỗi"? Thậm chí, đến giờ này, khi sự thật đã được phơi bày, lời xin lỗi vẫn chưa được đưa ra. Phải chăng cô nghĩ, không cần nhận lỗi với người ít tuổi hơn mình?

Một lời xin lỗi dành cho gia đình cháu Trần Chí Kiên không nên trở thành “điều xa xỉ”.

Việc cách chức bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên và hiệu phó Nguyễn Thị Hương trước toàn thể giáo viên trường là một kết quả hợp lòng dư luận.

Thay vì hả hê, chắc hẳn đa số các bậc phụ huynh vẫn thấy buồn vì những trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" trong ngành giáo dục. Hơn lúc nào hết, chúng ta nhận ra rằng người lớn cần "thuộc bài" trước khi dạy những bài học vỡ lòng cho con trẻ.

Trí Đức

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hieu-truong-truong-nam-trung-yen-da-quen-bai-dao-duc-dang-day-o-lop-2-lop-5-post221513.info