Hiệu trưởng Harvard, người phụ nữ quyền lực của thế giới

Xếp thứ 33 trong 100 phụ nữ quyền lực thế giới do tạp chí Forbes bình chọn năm 2014, Hiệu trưởng Harvard Drew Gilpin Faust là hình mẫu phụ nữ hiện đại không giới hạn khả năng bản thân bằng lối suy nghĩ của xã hội.

Catharine Drew Gilpin Faust là nhà giáo dục và sử gia người Mỹ, nổi tiếng thế giới nhờ trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên trong lịch sử Đại học Harvard vào năm 2007, một năm sau khi ông Lawrence Henry Summers từ chức.

Bà sinh năm 1947 ở thành phố New York và lớn lên tại hạt Clarke, bang Virginia. Bố bà là McGhee Tyson Gilpin, cựu sinh viên Princeton và là người gây giống ngựa thuần chủng. Ông cố của bà, Lawrence Tyson là thượng nghị sĩ Mỹ ở Tennessee trong những năm 1920.

Trở thành người phụ nữ quyền lực trong lịch sử Harvard ở tuổi 59, bà chia sẻ từng có những cuộc đối đầu liên tục với mẹ về những yêu cầu dành cho phái nữ. Mẹ bà nhiều lần nói với con gái: "Con à, đây là thế giới của đàn ông, con nên biết điều này càng sớm càng tốt".

Sau này, khi nhớ về lời nói của người mẹ đã mất năm 1966 và chưa từng được đặt chân đến trường đại học, bà cảm thấy đó là lời nhận xét cay đắng của người phụ nữ thuộc thế hệ không có quyền lựa chọn.

Drew Gilpin Faust sớm phản ứng với điều này và tự mô tả mình là "một đứa con gái nổi loạn". Bà tham gia diễu hành trong các cuộc biểu tình đòi quyền công dân vào những năm 1960, mong muốn trở thành sử gia trong khu vực. Elizabeth Warren, giáo sư luật tại Harvard nhận xét về tính cách của người phụ nữ này: "Bà được nuôi dạy để trở thành vợ của một người đàn ông giàu có. Tuy nhiên, bà chọn cách trở thành hiệu trưởng của trường đại học quyền lực nhất thế giới".

Drew Gilpin Faust nhiều năm liền được xếp hạng trong top 100 phụ nữ quyền lực thế giới theo tạp chí Forbes. Ảnh: Fast Company

Faust rời gia đình từ sớm để đến Học viện Concord, trường nữ sinh nội trú ở Massachusetts. Rất nhiều người trong gia đình bà, trong đó có bố và các chú từng theo học Princeton, tuy nhiên do trường đại học này không nhận nữ sinh trong giai đoạn giữa những năm 1960 nên bà trở thành sinh viên Đại học Bryn Mawr, ngôi trường chuyên đào tạo nhà lãnh đạo tương lai.

Việc được đào tạo tại Học viện Concord và Đại học Bryn Mawr có ý nghĩa quan trọng với tiến sĩ Faust. "Tôi nghĩ các cơ sở giáo dục dành cho nữ giới ở thời kỳ đó khuyến khích học sinh phát triển ý tưởng của mình, thể hiện bản thân một cách tự tin và có cảm giác tự hào về bản thân. Đó là trải nghiệm vô giá trong một thế giới mà phụ nữ bị xem là công dân hạng hai", bà từng nói.

Sau khi lấy bằng cử nhân năm 1968, Faust tiếp tục hoàn thành bằng thạc sĩ năm 1971 và bằng tiến sĩ năm 1975 về nền văn minh nước Mỹ tại Đại học Pennsylvania. Năm 1976, bà ở lại trường công tác và trở thành giáo sư chính thức năm 1984.

Bà có 25 năm cống hiến tại Pennsylvania trước khi được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp cao Radcliffe tại Đại học Harvard năm 2001. Ở vị trí này, bà thực hiện những thay đổi lớn về tổ chức, cắt giảm chi phí, sa thải một phần tư nhân viên và giúp Radcliffe được biết đến rộng rãi trên thế giới.

Người phụ nữ này đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, là giáo sư sử học danh hiệu Lincoln, thành viên hội đồng của Hiệp hội Sử gia Mỹ, giám khảo về lĩnh vực lịch sử của giải thưởng danh giá Pulitzer... Sự nghiệp viết lách của bà cũng gặt hái nhiều thành công. Năm 1997, tác phẩm có tựa đề "Mothers of Invention: Women of the Slave Holding South in the American Civil War" giành giải Francis Parkman cho cuốn sách hay nhất của năm với chủ đề nước Mỹ.

Tháng 7/2007, Faust trở thành hiệu trưởng thứ 28 tại ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới và là hiệu trưởng đầu tiên kể từ thế kỷ 17 không có bằng Harvard.

Bà kết hôn lần thứ hai với Charles E. Rosenberg, nhà sử học về y khoa và có với ông một con gái là Jessica, cựu sinh viên Harvard, hiện làm việc cho tờ The New Yorker. Người chồng thứ nhất của bà là Stephen Faust nên chữ Faust được thêm vào tên bà từ trước đó.

Năm 2014, Drew Gilpin Faust xếp thứ 33 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực của thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Bà trở thành hình mẫu phụ nữ hiện đại không giới hạn khả năng bản thân bằng lối suy nghĩ của xã hội.

Bà từng trả lời trên tờ New York Times: "Tôi luôn làm được nhiều hơn tôi có thể nghĩ. Trở thành giáo sư, viết sách, lấy bằng tiến sĩ đều là những điều tôi chưa từng tưởng tượng. Tôi sống trọn vẹn từng khoảnh khắc trong cuộc đời và mọi thứ cứ thế diễn ra".

Sáng 23/3, sau khi diện kiến Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, giáo sư Catharine Drew Gilpin Faust sẽ có buổi làm việc với Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về tiềm năng, những hướng quan trọng, ưu tiên trong hợp tác giữa hai đại học.

Sau đó, giáo sư có buổi thuyết trình với giảng viên và sinh viên về chủ đề nội chiến Mỹ trong khoảng 45 phút.

Theo Phiêu Linh/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/hieu-truong-harvard-nguoi-phu-nu-quyen-luc-cua-the-gioi-147678/