Hiểu rõ quy định về SPS để vượt qua rào cản của các FTA

Nhằm nâng cao kiến thức, giúp doanh nghiệp nông nghiệp hiểu rõ các cam kết để có thể vượt qua các rào trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 20-10, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức chương trình tập huấn “Quản lý và thực thi nội dung SPS trong các Hiệp định thương mại tự do”.

Trong các Hiệp định thương mại tự do, nông sản xuất khẩu chịu nhiều áp lực về việc tăng chất lượng và yêu cầu cao hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: ST

Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về tình hình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp cùng với các cam kết về kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM nhận định, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, bên cạnh những ưu đãi về thuế, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ phải tuân thủ rất nhiều cam kết, trong đó có cả các quy định về SPS. Theo ông Quý, SPS chính là công cụ để bảo hộ các sản phẩm trong nước. Do đó, nếu không chuẩn bị kỹ, ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi đương đầu với những thách thức mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Việt Cường, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng SPS chính là rào cản đối với ngành nông nghiệp. Cụ thể, SPS sẽ hạn chế cơ hội xuất khẩu do áp lực tăng chất lượng cùng với những yêu cầu cao hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sự khác biệt về trình độ phát triển, quy định khác biệt về SPS và thực tiễn áp dụng tại mỗi nước dẫn tới những thách thức về việc hài hòa hóa các quy định. Hiện tại, năng lực yếu kém của Việt Nam cũng dẫn tới những khó khăn cho công tác kiểm soát cũng như xây dựng các tiêu chuẩn do thiếu cơ sở khoa học để đưa ra và bảo vệ chính sách về SPS.

Do đó, ông Cường cho rằng hội nhập sẽ mang lại những thách thức như giá thành sản phẩm cao hơn do phải đầu tư thay đổi phương thức, quy trình sản xuất để phù hợp với các tiêu chuẩn. Mức độ hấp thụ lợi thế do hội nhập mang lại còn hạn chế do sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Ngoài ra, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu nghiêm ngặt. Trong khi đó, sự xâm nhập mạnh mẽ của nông sản nước ngoài sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà”.

Từ thực tế đó, các đại biểu cho rằng cần có cơ chế tham vấn hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh nông sản Việt Nam thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Song song đó, cần có định hướng chiến lược thị trường rõ ràng và hiểu biết về tâm lý, phong tục, tôn giáo của người tiêu dùng nước nhập khẩu.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hieu-ro-quy-dinh-ve-sps-de-vuot-qua-rao-can-cua-cac-fta.aspx