Hiệu quả từ triển khai mô hình 'Một cửa điện tử tập trung'

Bắt đầu triển khai 1-1-2017, sau sáu tháng hoạt động hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã cho thấy những hiệu quả tích cực từ việc vận hành hệ thống.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến tháng 6, các đơn vị trong toàn ngành đã tiếp nhận gần 15,3 triệu hồ sơ theo cơ chế “một cửa”, trong đó giải quyết được 14,3 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ 94,5%. Các hồ sơ còn lại đang tiếp tục được giải quyết theo đúng thời hạn quy định.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), hiện BHXH các địa phương đã thực hiện kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiếp nhận hồ sơ 2.0; đồng thời liên kết trực tiếp với hệ thống thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm quản lý của BHXH Việt Nam. Tại Vụ Pháp chế, hệ thống máy tính hiện đại được lắp đặt đã kết nối với tất cả BHXH các địa phương, giúp thuận tiện trong công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) tại các địa phương. Tại BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và quản lý hồ sơ (bộ phận “một cửa”) sẽ quản lý toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến chuyển hồ sơ dữ liệu, thụ lý giải quyết, trả kết quả, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết TTHC. Hệ thống còn quản lý chi tiết đến ngày, giờ giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn. Bên cạnh đó, còn quản lý được lượng hồ sơ cần giải quyết, tiến độ giải quyết, tình trạng hồ sơ để có phương án xử lý kịp thời. Qua theo dõi quy trình trên phần mềm, lãnh đạo BHXH địa phương có thể cập nhật được thông tin về tình hình, kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các phòng, bộ phận nghiệp vụ; kiểm soát, đôn đốc các phòng, bộ phận giải quyết kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ.

Vụ trưởng Pháp chế Lương Anh Tuấn cho biết, hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” giúp BHXH Việt Nam theo dõi công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của ngành trong phạm vi cả nước. Đây là công cụ hữu ích để Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trực tiếp theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện TTHC tại các địa phương.

Với những hiệu quả tích cực, trong thời gian tới, hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” tiếp tục được BHXH Việt Nam hoàn thiện và nâng cấp để đồng bộ hơn, bảo đảm tín hiệu đường truyền được nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, TTHC tại các địa phương.

Tại BHXH các địa phương hiện vẫn đang triển khai ba hình thức giao dịch với các đơn vị sử dụng lao động và người lao động, gồm: giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH; giao dịch qua dịch vụ bưu chính và giao dịch trực tuyến thông qua phần mềm giao dịch điện tử. Trước đây, các dữ liệu giải quyết TTHC của BHXH các địa phương qua ba “kênh” giao dịch này được Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) thống kê, tổng hợp theo hình thức thủ công, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, TTHC. Từ khi triển khai mô hình Hệ thống “Một cửa điện tử tập trung”, cơ bản khắc phục được những khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ.

Trong Báo cáo định kỳ tháng 5-2017 mới đây về công tác kiểm soát TTHC gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp trình Chính phủ, BHXH Việt Nam nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm trong sáu tháng cuối năm 2017 sẽ tiếp tục tập trung triển khai, tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC theo ba hình thức gồm: Giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính và giao dịch qua bộ phận “một cửa”; tiếp tục chuyển phát hồ sơ và trả kết quả cho đơn vị sử dụng lao động qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, tiến hành chạy thử phần mềm quản lý văn bản và điều hành của ngành; triển khai tích hợp 12 quy trình giải quyết công việc và bốn quy trình điều hành (ISO điện tử) vào hệ thống.

Đặc biệt, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai Đề án “Thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng tập trung”, nhằm tiếp nhận xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thực thi công vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố, nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên chức ngành BHXH trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 5-2017, toàn ngành giải quyết chế độ BHXH cho hơn 3,54 triệu lượt người, tăng 0,28 triệu lượt người (8,5%) so cùng kỳ năm 2016; giải quyết cho 299,2 nghìn lượt người chế độ trợ cấp thất nghiệp, tăng 37,06 nghìn lượt (14,1%) so cùng kỳ năm 2016; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 63,2 triệu lượt người, tăng 6,9 triệu lượt người (12,2%) so cùng kỳ năm 2016.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/33277102-hieu-qua-tu-trien-khai-mo-hinh-%e2%80%9cmot-cua-dien-tu-tap-trung%e2%80%9d.html