Hiệu quả từ những vườn rau xanh cho bé

Tỉnh Bắc Giang có 276 trường mầm non, đến nay gần như tất cả số trường thực hiện xây dựng mô hình vườn rau xanh cho bé. Với mô hình này, mỗi năm các trường mầm non đã cung cấp hàng nghìn ki-lô-gam rau, củ, quả các loại bảo đảm chất lượng bữa ăn hằng ngày cho trẻ. Ước tính năm 2016, mô hình vườn rau xanh cho bé trong toàn tỉnh cho thu nhập hơn hai tỷ đồng.

Các bé lớp mầm non trải nghiệm tại vườn rau ở Bắc Giang.

Các bé lớp mầm non trải nghiệm tại vườn rau ở Bắc Giang.

Trường mầm non Bắc Giang, ngôi trường lớn nhất TP Bắc Giang đã thực hiện trồng rau xanh cho trẻ từ khi mới thành lập. Trường có khuôn viên xanh mát, hàng trăm mét vuông trồng rau xanh được bố trí tại khu vực đằng sau nhà bếp và ngay bên cạnh sân trường. Cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay rau xanh do nhà trường tổ chức trồng đáp ứng đủ nhu cầu cho bữa ăn của trẻ. Đặc biệt, từ khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Bắc Giang phát động phong trào xây dựng vườn rau xanh cho trẻ thì mô hình trồng rau của nhà trường lại càng được chú trọng, không chỉ đáp ứng được rau xanh an toàn trong bữa ăn mà còn giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm, gần gũi với thiên nhiên, với lao động khi được các cô giáo hướng dẫn chăm sóc vườn rau. Bằng các công việc đơn giản như tưới rau, nhặt cỏ, vun đất cho cây, các bé đều vui vẻ và năng động hơn.

Trồng rau xanh cho bé được các trường mầm non ở Bắc Giang thực hiện từ nhiều năm trước nhưng mang tính tự phát. Đến năm học 2014 - 2015, thấy hiệu quả rõ rệt, ngành giáo dục Bắc Giang chính thức phát động sâu rộng phong trào. Để mang lại hiệu quả, phong trào xây dựng vườn rau xanh cho bé luôn được gắn liền với các nội dung như: Xây dựng trường chuẩn quốc gia; xây dựng môi trường thân thiện, học sinh tích cực; xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm... Phong trào xây dựng vườn rau xanh cho bé từ đó đã phát triển mạnh mẽ với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Tại Trường mầm non Liên Sơn, huyện Tân Yên, ngoài diện tích vườn rau sẵn có, các giáo viên trong trường còn tận dụng hộp xốp, lốp ô-tô hỏng làm vật dụng trồng rau sau lớp học. Các cô giáo còn tự trồng các loại rau dài ngày như: Bắp cải, cà rốt, cà chua, bầu, bí tại gia đình để hằng ngày đem thực phẩm sạch đến cho bếp ăn bán trú. Có trường, quỹ đất hạn hẹp, các thầy, cô giáo mạnh dạn mượn đất của người dân ở cạnh trường để trồng rau như Trường mầm non Hương Sơn (huyện Lạng Giang).

Các Trường mầm non Tân Tiến, Song Mai (TP Bắc Giang), các thầy cô dùng hộp xốp để trồng các loại cây dây leo trong sân trường như bầu, bí, su su... Với những trường còn ít trẻ, các cô giáo vừa nhận phụ trách lớp vừa nhận trồng, chăm sóc một luống rau đồng thời luống rau đó được cắm biển tên lớp để các bé có những giờ trải nghiệm vui vẻ. Với những trường học đông trẻ, việc chăm sóc vườn rau được giao cho những người làm công tác phục vụ như nhà bếp, bảo vệ là chính, các cô giáo trong trường luôn cùng chung tay vun xới vườn rau tươi tốt hơn. Tuy vườn rau của các trường mầm non không bán ra ngoài thị trường nhưng rau xanh trồng được cũng được hạch toán một phần vào bữa ăn của trẻ, từ đó giúp nhà trường có thêm một phần quỹ nhỏ để phục vụ cho công tác công đoàn.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD và ĐT Bắc Giang) Nguyễn Thị Lý cho biết: Những trường mầm non có vườn rau hoạt động hiệu quả là dấu ấn vai trò của hiệu trưởng nhà trường. Có những cô hiệu trưởng tranh thủ sớm, tối, giờ nghỉ, ngày nghỉ để tự tay chăm sóc vườn rau cho trẻ thì các giáo viên cũng sẽ tích cực tham gia. Hiện nay, mô hình vườn rau xanh tại Bắc Giang đã bước đầu phát triển tại các trường tiểu học. Tuy học sinh tiểu học học bán trú còn ít nhưng những vườn rau xanh đang thật sự trở thành những công cụ giảng dạy, trải nghiệm thực tế rất hiệu quả vì ở đó các em được trải nghiệm và thu hoạch những thành quả lao động bé nhỏ của mình.

Bài và ảnh: ĐẶNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/33287202-hieu-qua-tu-nhung-vuon-rau-xanh-cho-be.html