Hiệu quả từ mô hình kho đông lạnh hải sản ở một xã biển

Hằng năm ngư dân xã biển Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) đánh bắt sản lượng hải sản rất lớn, song đầu ra thường bị bấp bênh do thương lái ép giá. Do đó, việc phát triển mạnh các mô hình kho đông lạnh đã giúp bình ổn giá cả hải sản, tạo niềm tin để bà con ngư dân yên tâm bám biển… Giải pháp bảo quản sản phẩm bằng công nghệ mới cho tàu đánh bắt xa bờ

Bình Minh hiện có 104 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, trong đó có 20 chiếc tàu lưới vây khơi, 20 chiếc tàu câu mực khơi và 3 tàu vỏ thép thường xuyên hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Trung bình mỗi năm ngư dân Bình Minh khai thác được từ 11-12 nghìn tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, có một thời gian dài, giá hải sản luôn phải chịu cảnh không ổn định, thường bấp bênh do các đầu nậu ép giá.

Nhận thấy điều đó, chính quyền xã đã vận động một số hộ dân đầu tư kho đông lạnh để giải quyết đầu ra cho ngư dân. Và đến nay, trên địa bàn xã đã có 8 kho đông lạnh hải sản, không chỉ thu mua sản phẩm đầu vào cho ngư dân mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương…

Bà Hiền cùng các lao động lấy cá khô từ kho đông lạnh chuẩn bị xuất cho các đại lý.

Mấy hôm nay, dù biển động song ông Trương Công Huấn, chủ cơ sở sản xuất hải sản Thuấn Huệ, vẫn luôn có hàng để bán cho các đại lý. Ông Thuấn chia sẻ, kho đông lạnh của ông có diện tích khoảng 20m², có thể chứa tối đa 6 tấn mực khô và tươi các loại. Vào cao điểm của mùa đánh bắt hải sản, trung bình mỗi ngày ông thu mua hơn 200 triệu đồng mực khô và mực tươi các loại.

Những ngày biển động, sản lượng thu mua có ít hơn, song mỗi ngày cũng dao động từ 50-70 triệu đồng. Nhờ làm kho đông lạnh nên mực luôn giữ được chất lượng tốt và thường xuyên có hàng để bỏ cho các đại lý ở nhiều nơi.

Lợi nhuận hằng năm của cơ sở ông đạt mỗi năm từ 300-500 triệu đồng. Tương tự, bà Trần Thị Hiền, ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh, cho biết, cơ sở của bà có 2 kho đông lạnh, có sức chứa 70 tấn hải sản.

Bà xây dựng kho động lạnh này từ cuối năm 2013. Vào mùa cao điểm đánh bắt hải sản, cơ sở của bà thu mua hải sản giá cao cho ngư dân và tạo công ăn việc làm cho từ 40-50 lao động là phụ nữ ở địa phương…

Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá xã, cho hay, từ cuối năm 2013, nhận thấy đầu ra của hải sản do ngư dân trên địa bàn đánh bắt thường chịu cảnh tư thương ép giá do chưa có kho đông lạnh dự trữ nên xã đã khuyến khích một số hộ dân phát triển mô hình kho đông lạnh. Tùy diện tích và công suất mà mỗi kho đông lạnh có chi phí xây dựng dao động từ 150-300 triệu đồng.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, mô hình xây dựng các kho đông lạnh để bảo quản hải sản trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả, giúp ngư dân có được đầu ra ổn định, giá thành cao.

Đồng quan điểm với ông Bảy, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, thông tin thêm, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngoài xã Bình Minh, một số địa phương khác cũng có kho đông lạnh để bảo quản hải sản.

Tuy nhiên, mô hình kho đông lạnh tại xã Bình Minh là tiêu biểu nhất, mang lại hiệu quả cao. Dù ở cao điểm mùa vụ đánh bắt hay trái vụ, giá hải sản của ngư dân luôn được thu mua kịp thời và giá cao, góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/hieu-qua-tu-mo-hinh-kho-dong-lanh-hai-san-o-mot-xa-bien-416151/