Hiệu quả những 'con tàu 67'

(Baonghean) - Nhờ có chương trình vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân đã đóng được tàu có kích thước lớn, công suất máy cao, được trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại... Từ đó khai thác được nhiều hải sản, thu lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến ra khơi; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trước khi Nghị định 67/CP chưa ra đời, nhiều ngư dân ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đã đầu tư tiền tỷ đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu cá để vươn khơi. Nghị định 67 được triển khai thực hiện đã càng tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn, có điều kiện đóng tàu to, máy mới. Với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay lên đến 11 năm cùng tín hiệu khả quan của nghề lưới rê, lưới chụp... ngư dân tự tin có hướng đi đúng và đã tự lên kế hoạch chủ động tích lũy nguồn vốn để trả nợ ngân hàng.

Thuyền viên “tàu 67” NA 99959TS vận chuyển cá lên bờ sau chuyến biển cuối năm.

Chúng tôi có mặt tại bến cá Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu vào một sáng trung tuần tháng Chạp năm Bính Thân 2016; trên bến lúc này có nhiều tàu cá neo đậu, trong đó phần lớn là tàu to, máy lớn. Từ một con tàu vỏ sắt, khi nhóm ngư dân đang hối hả bốc xếp từng khay cá từ khoang thuyền lên, chuẩn bị bán hải sản cho thương lái đợi sẵn trên bờ.

Thuyền trưởng tàu vỏ sắt biển kiểm soát NA 99959 TS Bùi Văn Định tự hào nói: “Được ra khơi trên con tàu này là mơ ước của ngư dân chúng tôi”. Tháng 6/2016, con tàu này được hoàn thành, trị giá hơn 19 tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn vốn được vay từ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Phủ Diễn.

Với nghề lưới chụp, bám biển từ 7 - 10 ngày/chuyến, tàu cá của anh Bùi Văn Định chuyến nào cũng cá đầy khoang. Chuyến này, tàu của anh rời bến từ ngày 4/1, sau 8 ngày khai thác, sản phẩm chủ yếu là cá cơm, ước đạt khoảng 21 tấn. Hiện tại, giá thu mua cá cơm của các thương lái 10.000 đồng/kg, như vậy chuyến này tàu của anh Định thu về 210 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 120 triệu đồng. Anh Định cho biết thêm, có những chuyến thu lãi gần 200 triệu đồng. Trước đây đánh bắt con tàu gỗ, công suất máy 400 CV thu lãi chỉ bằng một nửa so với tàu mới này.

Cạnh đó là “con tàu 67” biển kiểm soát NA 91359 TS của anh Nguyễn Văn Hà cũng vừa về sau chuyến vươn khơi. Anh Hà chia sẻ: Hơn 10 năm gắn bó với biển cả, đã từng kinh qua nhiều nghề như nghề lưới, nghề vây rút chì, nghề mành chụp, nghề câu...; bây giờ được sở hữu tàu to, máy lớn, với nhiều trang thiết bị hiện đại, nên vững tin hơn để vươn khơi. "Thực ra khi hạ thủy con tàu này, vui nhưng cũng không khỏi hồi hộp, lo âu. Tàu lớn, hiện đại nhưng với chục bạn thuyền, không biết có nuôi được anh em không? Nhưng đến bây giờ thì ổn. Theo tôi, mỗi ngư dân như một miếng ghép, nếu biết bỏ qua kiểu làm ăn rời rạc, liên kết lại, hỗ trợ lẫn nhau dưới sự tiếp sức của Nhà nước thì sẽ phát triển nghề bền vững...".

Những “con tàu 67” neo đậu tại bến cá Tiến Thủy (Quỳnh Lưu).

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai, những con tàu mang tên 67 của ngư dân trên địa bàn thực sự phát huy hiệu quả sau mỗi chuyến ra khơi bám biển. Bình quân 1 tàu thu lãi từ 150 - 250 triệu đồng/tháng, gấp rưỡi so với tàu thuyền công suất nhỏ trước đây. Cá biệt có những con tàu ở thị xã Hoàng Mai thu lãi 300 triệu đồng/chuyến, như tàu của ngư dân Nguyễn Văn Phương ở phường Quỳnh Phương đã ra khơi được 16 chuyến bằng nghề lưới rê; tàu của ông Hồ Sỹ Thơ làm nghề chụp 4 sào, đã đánh bắt được 22 chuyến, thu lãi 140 - 160 triệu đồng/chuyến.

Đối với những ngư dân có những con tàu đang trong giai đoạn đóng mới và hoàn thiện đều đang mong sớm đến ngày con tàu của gia đình được hạ thủy và đưa vào khai thác. Với họ khi đã có tàu đủ lớn, đủ bền, hiện đại... sẽ bám biển được dài ngày hơn trong mỗi chuyến vươn khơi để vừa khai thác hiệu quả trên các ngư trường, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; và nhất là góp phần triển kinh tế biển mang tính bền vững hơn.

Theo báo cáo của các địa phương, sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 67/CP, đến nay, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã ký thỏa thuận 64 hồ sơ vay vốn đóng tàu đánh cá, với số tiền gần 550 tỷ đồng. Trong đó, đã có 50 tàu hoàn thành, đưa vào khai thác, gồm: Thị xã Hoàng Mai 24 chiếc, Quỳnh Lưu 24 chiếc và Diễn Châu 2 chiếc. Mỗi chiếc tàu được lắp máy công suất từ 400- 900 CV; còn lại 14 chiếc đang triển khai đóng tại các xưởng trong và ngoài tỉnh.

Xuân Hoàng

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201701/hieu-qua-nhung-con-tau-67-2774462/