Hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam

Cách đây 55 năm, ngày 6-12-1961, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III 'Xúc tiến việc nghiên cứu khoa học giáo dục, xây dựng nền giáo dục nước ta', Bộ trưởng Giáo dục đã ký Quyết định số 859/QĐ thành lập Viện Khoa học Giáo dục. Đây là đơn vị tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia về khoa học giáo dục đầu tiên của đất nước.

Giờ thực hành môn Hóa học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình. Ảnh: ANH SƠN

Giờ thực hành môn Hóa học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình. Ảnh: ANH SƠN

Trong 55 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã qua nhiều tên gọi khác nhau, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan nghiên cứu và do nhu cầu mở rộng phạm vi, nội dung nghiên cứu đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục. Những năm tháng đầu tiên là giai đoạn tìm tòi, xác định hướng đi của Viện, bắt đầu từ việc tổng kết thực tiễn giáo dục của đất nước, phát hiện những quy luật phát triển giáo dục, tìm hiểu, tiếp thu những tri thức khoa học giáo dục của nhân loại và dân tộc. Những năm 70 của thế kỷ 20 là thời kỳ định hình và trưởng thành của Viện.

Công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã dẫn đến những đổi mới rõ rệt trong giáo dục - đào tạo và trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Các công trình nghiên cứu của Viện, một mặt tập trung vào việc xây dựng luận cứ cho những giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, mặt khác tập trung vào việc nghiên cứu đổi mới giáo dục, từ đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đến việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo và các loại hình nhà trường, xã hội hóa giáo dục. Những năm cuối của thế kỷ 20, các chuyên ngành khoa học giáo dục đã được phát triển thêm một bước rõ rệt và tiếp cận được với tri thức khoa học giáo dục thế giới, nhất là với các nước trong khu vực, đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bước sang thế kỷ 21, công tác nghiên cứu khoa học của Viện một mặt hướng vào việc cung cấp cơ sở khoa học để triển khai thực hiện các Nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, mặt khác tiếp tục phát triển các chuyên ngành của khoa học giáo dục Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của Viện đã góp phần phát triển tâm lý học, sinh lý học lứa tuổi, lý luận giáo dục học Việt Nam, tập trung vào việc xác định gia tốc phát triển tâm lý, sinh lý, các chỉ số trí tuệ của trẻ em Việt Nam, làm cơ sở cho việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, làm sáng tỏ các vấn đề về quy luật của giáo dục trong điều kiện đổi mới, bổ sung lý luận về chương trình và phương pháp dạy học. Khoa học quản lý giáo dục cũng có những bước tiến mới,... bên cạnh những thành tựu nghiên cứu cơ bản, những nghiên cứu ứng dụng, triển khai đã tập trung vào các vấn đề thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục, xác định phương thức giáo dục - đào tạo cho các loại hình nhà trường và các đối tượng giáo dục khác nhau (từ mầm non đến phổ thông, đại học, giáo dục không chính quy...).

Đáng chú ý năm năm trở lại đây (2011-2016), là thời kỳ Viện tập trung nghiên cứu luận cứ khoa học cho các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo 2011-2020 và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 29, Hội nghị T.Ư 8 khóa XI của Đảng.

Những kết quả, công trình nghiên cứu của Viện có tính căn bản, tạo đà cho bước tiếp theo: Đó là những nghiên cứu trong xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; đánh giá phân tích ngành giáo dục; Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công... Viện đã tiếp tục và duy trì quan hệ đối tác ở nhiều nước, mở rộng thêm các đối tác, các tổ chức và các nước phát triển; hợp tác với các đơn vị, cơ quan nhà nước, tổ chức dân sự, doanh nghiệp ngày càng mở rộng và có hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu của Viện trong năm năm qua còn được phản ánh trong các sản phẩm khoa học dưới dạng các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, các chuyên khảo, sách tham khảo, tài liệu tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, các cán bộ Viện đã có hơn 700 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học, trong đó có một số đăng trên tạp chí nước ngoài, xuất bản nhiều chuyên khảo, hàng trăm đầu sách tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các cấp học, ngành học đã được phát hành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn giáo dục ở địa phương và phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo của ngành.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam còn là cơ quan thông tin về giáo dục và khoa học giáo dục, cung cấp cơ sở dữ liệu giáo dục cho các đối tượng: giáo viên, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh. Ngoài chức năng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giáo dục, Viện còn thực hiện chức năng đào tạo sau đại học. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ từ năm 1978. Hiện nay, Viện đang đào tạo tiến sĩ thuộc năm chuyên ngành: Tâm lý học, Giáo dục học, Quản lý giáo dục, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn-Tiếng Việt. Trong năm năm (2011-2016), đã có 267 nghiên cứu sinh thực hiện đề tài luận án, trong đó hơn 80 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Viện được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ từ năm 1991 với bốn chuyên ngành: Tâm lý học, Giáo dục học, Quản lý giáo dục và Lý luận và phương pháp dạy học Toán.

Với tinh thần thực hiện nghiên cứu để đáp ứng một cách hiệu quả hơn nữa cả hai yêu cầu: Phát triển khoa học giáo dục và phục vụ thực tiễn giáo dục trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Viện đã xác định những hướng đi chính trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước: Xây dựng các chương trình nghiên cứu lớn mang tính chiến lược và được triển khai trong từng giai đoạn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho bộ trưởng trong công tác quản lý và phát triển ngành; đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản theo hướng phát triển và hoàn thiện một số chuyên ngành khoa học giáo dục; triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục nhằm góp phần phát triển khoa học giáo dục Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, đánh giá chiến lược, chính sách phát triển giáo dục cấp quốc gia; nghiên cứu phát triển bền vững chương trình giáo dục các cấp bậc học và cho các đối tượng người học; nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; xây dựng các mô hình trường thực nghiệm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; triển khai các nghiên cứu ứng dụng, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu, gắn nghiên cứu khoa học với các yêu cầu và đặt hàng của người sử dụng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn phát triển giáo dục…

GS, TS Trần Công Phong

Viện trưởng KHGD Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/31452402-hieu-qua-cong-tac-nghien-cuu-khoa-hoc-giao-duc-viet-nam.html