Hiểu đúng về mất ngủ

Giấc ngủ là sự điều hòa và lặp đi lặp lại của một quá trình sinh lý bình thường. Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người.

Trung bình, mỗi người cần phải ngủ đến 220.000 giờ trong suốt cuộc đời. Rối loạn giấc ngủ thường là triệu chứng sớm nhất của các rối loạn tâm thần. Người bình thường ngủ khoảng 6-7 giờ mỗi đêm. Chu kỳ sinh học của nhịp thức-ngủ ở người là 24 giờ. Trong 24 giờ, đối với người lớn ngủ 1 hoặc 2 lần. Trẻ sơ sinh chưa có nhịp giấc ngủ, nhịp giấc ngủ chỉ xuất hiện và phát triển trong 2 năm đầu của đời sống. Ở phụ nữ, nhịp giấc ngủ phần nào thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.

Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến rối loạn hành vi, ảo giác và hoang tưởng. Mất ngủ gây ra mệt mỏi, chán ăn, giảm khả năng học tập, giảm cân nặng, giảm thân nhiệt và có thể dẫn đến tử vong. Người bệnh thường phàn nàn chủ yếu về hiện tượng mất ngủ là khó bắt đầu hoặc khó giữ giấc ngủ. Mất ngủ có thể thoáng qua hoặc bền vững. Mất ngủ thường có hoặc đi kèm với rối loạn lo âu. Mất ngủ có thể do stress tâm lý ở gia đình hoặc ở nơi làm việc.

Mất ngủ thường có hoặc đi kèm với rối loạn lo âu.

Xử trí các dạng mất ngủ

Mất ngủ tiên phát

Bệnh nhân than phiền chủ yếu khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ, thường kéo dài ít nhất 1 tháng, có khi kéo dài hàng năm. Bệnh xảy ra độc lập, không liên quan đến bất kỳ rối loạn cơ thể hoặc tâm thần nào. Bệnh nhân tăng hoạt động vào ban đêm và ít ngủ. Cảm giác vui vẻ hoặc u sầu quá mức làm bệnh nhân mất ngủ. Mất ngủ tiên phát dẫn tới rối loạn lo âu, cáu gắt, uể oải, mệt mỏi, giảm sút khả năng lao động, khó tập trung chú ý, giảm trí nhớ... Bệnh hay gặp ở người cao tuổi và phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Người trẻ tuổi thường hay than phiền khó vào giấc ngủ, trong khi người trung tuổi và người già thường hay than phiền khó giữ giấc ngủ và hay thức giấc sớm. Mất ngủ tiên phát có thể hết khi thay đổi vị trí giường ngủ hoặc phòng ngủ.

Khi có căng thẳng tâm lý, bệnh nhân cần phải được nghỉ ngơi và thư giãn, nhưng liệu pháp tâm lý không giúp được gì nhiều cho mất ngủ tiên phát. Mất ngủ tiên phát được điều trị phổ biến bằng benzodiazepin và các thuốc an thần khác. Tuy nhiên, cần có chỉ định của bác sĩ.

Một số rối loạn giấc ngủ khác

Ngủ ngắn: Dễ vào giấc ngủ và không có các triệu chứng đặc trưng cho rối loạn giấc ngủ tiên phát như mệt mỏi, khó tập trung chú ý, cáu gắt...

Rối loạn nhịp thức-ngủ hàng ngày do đi máy bay hoặc đi công tác: tiền sử gần đây có di chuyển bằng máy bay hoặc do công việc gây ảnh hưởng đến giấc ngủ;

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp được đặc trưng do một bệnh mạn tính đường hô hấp gây ra rối loạn giấc ngủ;

Rối loạn cận giấc ngủ được đặc trưng bởi các hành vi không bình thường diễn ra trong khi ngủ và đôi khi gây thức giấc;

Rối loạn giấc ngủ do một bệnh tâm thần: có một bệnh tâm thần được coi là nguyên nhân dẫn đến mất ngủ như rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu;

Rối loạn giấc ngủ do một bệnh thực tổn: có một bệnh thực tổn được coi là nguyên nhân gây ra mất ngủ; Rối loạn giấc ngủ do một chất: xác định được một chất (ngộ độc hoặc cai một chất) là nguyên nhân gây ra mất ngủ;

Rối loạn giấc ngủ có thể là nội sinh hoặc có thể là thực tổn, phụ thuộc vào sự tham gia một cách tương đối của các yếu tố tâm lý hoặc yếu tố thực tổn;

Mất ngủ do trầm cảm gây ra là rất thường gặp.

Các thuốc khác được sử dụng trong điều trị mất ngủ bao gồm thuốc kháng histamin và thuốc chống trầm cảm.

Mất ngủ do bất kỳ nguyên nhân nào cũng gây tác động xấu đến sức khỏe của con người. Nếu tình trạng mất ngủ của bạn kéo dài, lặp đi lặp lại, bạn cần đi khám và có chỉ định điều trị phù hợp, không nên tự ý sử dụng thuốc.

PGS.TS. Cao Tiến Đức

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hieu-dung-ve-mat-ngu-n135254.html