Hiểu để thương!

Trong một cuộc hội thảo mới đây, giám đốc một cơ sở bảo trợ xã hội cho biết nhiều trẻ khi được giới thiệu cho người khác nhận nuôi thì người nuôi dưỡng trước đây gây áp lực, cản trở.

Nếu các thủ tục giấy tờ có liên quan tới nơi cũ, phải lấy ý kiến của những người đã nuôi dưỡng trước đây, khi họ phản đối thì các em sẽ mất cơ hội được cho làm con nuôi. Trong đó, có những em nhỏ bị bệnh rất cần được chăm sóc bởi cha mẹ nuôi nhưng đành phải đợi. Sự gây khó khăn đó có khi làm vuột mất của trẻ cơ hội có một gia đình mới.

Cách đây hai năm, một phụ nữ lớn tuổi mang theo tám đứa trẻ mồ côi đến xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh (khu vực này gần biên giới, khá heo hút). Rất nhiều người biết chuyện đã tìm đến thăm nuôi, tặng quà cho bọn trẻ. Người nuôi chúng đã già yếu, ngoài 70 tuổi, trước đây ở TP.HCM. Cuộc sống của các em phụ thuộc vào lòng tốt của mọi người. Nhiều người gọi người phụ nữ lớn tuổi nuôi những đứa trẻ là bà tiên. Tuy nhiên, vài cán bộ ở xã rất lo lắng, họ chia sẻ rằng những đứa trẻ đó không có giấy tờ khai sinh hợp lệ, không ai biết nguồn gốc các em. Các em cần một mái ấm đúng nghĩa, cần giấy tờ để đi học. Chỉ có cơ sở bảo trợ được cấp phép mới có chức năng làm giấy tờ hợp lệ cho các em. Đó là chưa kể việc cho hay nhận nuôi trẻ cần sự quản lý hết sức khắt khe để tránh việc lạm dụng mua bán trẻ em.

Những đứa trẻ mồ côi ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh khi được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội ở Tây Ninh bị ốm và được chăm sóc y tế. Ảnh: MINH NGÔ

Ý kiến của cán bộ xã bị không ít người phản đối, họ cho rằng cán bộ xã lạnh lùng nỡ chia cắt tình bà cháu khi báo cáo và đề nghị đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội. Quá trình đưa các em vào cơ sở bảo trợ gặp không ít khó khăn bởi sự phản đối từ nhiều phía. Những người phản đối vin vào điều thiêng liêng nhất mà cũng cảm tính nhất là tình cảm. Họ không đặt ra câu hỏi: Làm sao những đứa trẻ có thể đi học nếu không có giấy tờ hợp lệ? Tại sao không cho trẻ một cơ hội có gia đình với đầy đủ cha mẹ nhận nuôi? Một người già không đủ tiền lo cho mình làm sao đủ sức chăm lo tốt cho tám đứa trẻ? Dù không nên nghi ngờ lòng tốt nhưng khi người nuôi trẻ không có năng lực tài chính mà chỉ dựa vào lòng hảo tâm, có chắc rằng trẻ sẽ không bị trục lợi hay không?...

Không phải vô lý mà Nhà nước đặt ra quy định khắt khe rằng người/tổ chức muốn nhận nuôi trẻ phải có năng lực tài chính và có đủ điều kiện cần thiết về diện tích nhà ở. Điều đó để đảm bảo rằng người nhận nuôi trẻ sẽ đảm bảo cho trẻ một tương lai đầy đủ và vô vụ lợi. Tuy vậy, những quy định này đã từng vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận qua nhiều lần chính quyền TP.HCM và một số tỉnh mạnh tay dẹp các cơ sở nuôi trẻ không phép, đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội. Có lẽ họ sẽ không lên án mạnh mẽ như thế nếu biết rằng sau một thời gian sống và học tập ở môi trường mới, hầu hết những đứa trẻ không muốn quay về cuộc sống cũ trước đây.

Có thể đó là sự nhân danh yêu thương, có thể là sự yêu thương chân thật nhưng yêu thương cao cả nhất chính là hiểu biết và trao cho người mình yêu thương điều tốt nhất.

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/hieu-de-thuong-654187.html