Hiệp thương bầu cử và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên”.

MTTQ Việt Nam thực hiện chức năng hiệp thương của mình Ảnh: QUỐC ANH Để thực hiện chức năng hiệp thương của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những lần bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đã có nhiều cố gắng, tìm tòi, sáng tạo và đã không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, lựa chọn được những đại biểu xứng đáng để trình trước nhân dân để nhân dân cầm lá phiếu tự do bầu chọn ra những đại biểu đủ đức, đủ tài, đủ tầm, có tâm huyết và trách nhiệm đứng ra gánh vác công việc quốc gia, công việc của địa phương. Đó là quyền của dân của một nước dân là chủ, dân làm chủ. Ngay từ ngày tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Mặt trận Việt Minh đã ý thức được quyền làm chủ và trách nhiệm của mình, nô nức đi bỏ phiếu, coi ngày bầu cử thực sự là ngày hội của những công dân khi đã được làm chủ đất nước sau bao năm trường ròng rã quyết chiến đấu một mất một còn với quân thù xâm lược để giành cho kỳ được độc lập, giành cho kỳ được quyền tự do, dân chủ và thống nhất non sông đất nước. Từ đó đến nay, luật pháp đã quy định, nhân dân ta đã tín nhiệm trao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vai trò và nhiệm vụ rất nặng nề trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đó là quyền đứng ra tổ chức hiệp thương thật sự dân chủ và bình đẳng để tạo sự nhất trí đưa vào danh sách ứng cử những đại biểu thật sự tiêu biểu để nhân dân bầu chọn ra những đại diện mà mình toàn tâm toàn ý ủy quyền. Trong hiệp thương bầu cử đã hàm chứa trong nó yếu tố dân chủ, bình đẳng thảo luận, bình đẳng tranh luận, loại trừ dần những ý kiến bất đồng, để cuối cùng tạo nên sự đồng thuận. Với những trường hợp đặc biệt, việc có nhất trí đưa vào danh sách ứng cử hay không, hoàn toàn thuộc về quyền của hội nghị hiệp thương. Đã gọi là hiệp thương thì không có sự áp đặt, ép buộc. Mặt trận Tổ quốc, với tư cách là một tổ chức đại diện rộng rãi cho quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm tổ chức những bước hiệp thương bầu cử theo đúng quy trình, theo đúng thủ tục, trình tự lựa chọn, sàng lọc để giới thiệu được một danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu cả những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri phát hiện nêu ra. Công tác nhân sự cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Mặt trận Tổ quốc chủ động đề nghị cấp ủy các cấp giới thiệu người ứng cử, tăng cường số dư người ứng cử, thông tin đầy đủ minh bạch về các ứng cử viên để phục vụ cho hội nghị hiệp thương, đáp ứng tinh thần dân chủ đồng thời khẳng định sự lựa chọn hoàn toàn do lá phiếu quyết định của nhân dân. Đó là quyền của nhân dân đã được Hiến pháp và pháp luật khẳng định. Tuy vậy, bước vào khâu thực hiện, không phải mọi trường hợp đều diễn ra suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió. Ở nơi này, nơi kia vẫn còn tình trạng áp đặt, ép buộc hội nghị hiệp thương – cụ thể là với Mặt trận Tổ quốc – phải đưa vào danh sách các đại biểu ứng cử “người nọ, người kia”, mặc dù “người nọ, người kia” ấy chưa đủ tiêu chuẩn. Trước những tình huống đau đầu khó xử ấy, các cấp Mặt trận cần thể hiện bản lĩnh chính trị, thể hiện vai trò của Mặt trận, thể hiện trách nhiệm với cử tri. Ở một số địa phương chắc cũng có tình trạng như nói trên. Trả lời phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết năm 2008. Ông Từ Tân Vũ, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Ngãi kể lại: “...Biết dựa vào dân nên khi làm Chủ tịch MTTQ tỉnh, tôi đã đề nghị Mặt trận đưa ra khỏi danh sách ứng cử Hội đồng Nhân dân, thậm chí cả ứng cử đại biểu Quốc hội đối với một số người không đủ sự tín nhiệm của cử tri. Hồi đó tôi làm căng quá, quyết liệt quá nên đã có ý kiến đòi thay Chủ tịch Mặt trận. Thế nhưng tôi bảo: “Thường vụ giới thiệu tôi, hội nghị hiệp thương cử tôi làm Chủ tịch, Trung ương Mặt trận Tổ quốc chuẩn y. Nếu muốn thay tôi phải để MTTQ tổ chức hiệp thương xem có nên thay hay không”. Cuối cùng không thay tôi được. Sau này, khi anh Hoàng Ngọc Trâm làm Chủ tịch, do MTTQ thực hiện giám sát chặt quá nên cũng đã có áp lực đòi thay Chủ tịch. Có nhà báo hỏi ông Từ Tân Vũ: “Trên cương vị là một cán bộ hưu trí, từng là Chủ tịch MTTQ tỉnh, là đại biểu Quốc hội vào thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới, ông nghĩ và đánh giá thế nào về vai trò và chức năng giám sát của Mặt trận?”. Ông Vũ trả lời: “Vai trò, vị trí, chức năng và nguyên tắc làm việc của MTTQ đã được xác định từ Cương lĩnh Chính trị của Đảng ta. Điều 9 Hiến pháp cũng đã xác định rõ ràng điểm này. Sau này, Luật Mặt trận Tổ quốc cũng xác định về mặt pháp lý. Như vậy, quan điểm chủ trương, chính sách và hành lang pháp lý đều rõ, nhưng tiếc rằng khi thực hiện lại có vấn đề. Về phía MTTQ cũng chưa tự khẳng định vai trò của mình một cách rõ ràng. Chỉ có Mặt trận nơi nào biết vươn lên và vươn lên được thì ở đó Mặt trận mới khẳng định được mình và làm tốt được vai trò giám sát. Nếu Mặt trận không tự vươn lên, không kiên trì thực hiện những điều đã được Hiến pháp và pháp luật quy định thì không giám sát được ai, mà nếu không giám sát thì hoạt động Mặt trận chỉ là hình thức... Cũng như việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, khi nhân sự được dự kiến phải làm theo luật, theo đúng các bước hiệp thương, phải dựa vào ý kiến của dân, dựa vào sự tín nhiệm của dân để lựa chọn ra những người ứng cử xứng đáng thay mặt dân...”. Lời tâm sự của ông Từ Tân Vũ từ năm nào đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, nhất là trong những ngày toàn dân đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp (2011-2016), MTTQ đang sôi nổi tổ chức các bước hiệp thương, kiên trì thực hiện chức năng rất quan trọng và vô cùng cao quý của MTTQ “là nơi nhân dân tín nhiệm gửi gắm niềm tin, là nơi phản ánh, nguyện vọng, tiếng nói, nơi thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”. Chu Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=24703&menu=1427&style=1