Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hồng Kông: Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hai bên

(VEN) - Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hồng Kông sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Đây là Hiệp định đã được ký kết từ tháng 12/2008, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý về thuế rõ ràng, ổn định và minh bạch cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Hồng Kông.

Bà Lê Hồng Hải - Tổng cục phó Tổng cục Thuê Dự kiến khi đi vào thực hiện, hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và công dân hai bên, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hồng Kông. Để hiểu rõ hơn về Hiệp định này, báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc phóng vấn bà Lê Hồng Hải - Tổng cục phó Tổng cục Thuê về vấn đề này. Xin bà cho biết, nội dung chính mà chúng ta đã thỏa thuận trong hiệp đinh này là gì? Chính thức khi nào hiệp định sẽ có hiệu lực? Trước hết xin nói rằng, Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (Hiệp định) là một loại hiệp định song phương trên cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó là hiệp định được ký kết giữa hai bên (nghĩa bóng) và, trừ điều khoản về tránh đánh thuế hai lần mà Hồng Kông chấp nhận phương án của Việt Nam (mà tôi sẽ đề cập sau đây), tất cả các điều khoản còn lại của hiệp định đều được thỏa thuận để áp dụng chung cho cả hai phía (nghĩa đen). Cũng như các Hiệp định đã ký với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, tại Hiệp định này chúng ta đã thỏa thuận được việc chia quyền đánh thuế giữa hai bên đối với thu nhập của các tổ chức và cá nhân từ các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và Hồng Kông. Như vậy, các nhà đầu tư là đối tượng cư trú của hai bên không bị đánh thuế hai lần trên cùng một số thu nhập thu được từ Việt Nam hoặc Hồng Kông, trong khi chính quyền của mỗi bên vẫn đảm bảo được nguồn thu thuế của mình. Ngoài ra, thông qua các thỏa thuận về trao đổi thông tin giữa các nhà chức trách có thẩm quyền của hai bên, các hành vi cố tình trốn thuế hoặc tránh thuế sẽ bị phát hiện và xử lí. Riêng đối với Việt Nam, việc Hồng Kông chấp nhận điều khoản “khoán thuế’ sẽ đảm bảo rằng nếu các nhà đầu tư Hồng Kông được Chính phủ Việt Nam miễn thuế thu nhập vì mục đích khuyến khích đầu tư thì khoản thu nhập đó vẫn được coi như đã nộp thuế tại Việt Nam nên sẽ không phải nộp thuế tại Hồng Kồng khi kê khai thuế tại Hồng Kông. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền của cả Việt Nam và Hồng Kông đã phê duyệt Hiệp định được ký kết. Hy vọng, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm cơ quan ngoại giao hai phía sẽ hoàn tất các thủ tục cuối cùng để hiệp định có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2010. Trong số những nội dung mà chúng ta đã thỏa thuận, đâu là những lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng từ Hiệp định này? Xin bà cho ví dụ cụ thể? Các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi ích trực tiếp từ hiệp định này chủ yếu là các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tại Hồng Kông hoặc các công ty hàng không và vận tải biển có hoạt động vận tải quốc tế mà có một điểm đến hoặc đi tại Hồng Kông. Ví dụ: nếu một Công ty vận tải biển của Việt Nam chở hàng hóa hoặc hành khách xuất phát từ Hồng Kông tới một điểm nào đó ngoài Hồng Kông sẽ không phải nộp thuế thu nhập tại Hồng Kông. Điều này cũng được áp dụng tương tự đối với một công ty hàng không của Việt Nam. Ngoài những doanh nghiệp trên, các đối tượng khác có được áp dụng theo hiệp định này không, thưa bà? Cụ thể thì các doanh nghiệp tham gia hội chợ (kể cả một lần hoặc nhiều lần) có thuộc đối tượng được hưởng lợi từ hiệp định này không? Nếu có thì thời gian được hưởng là bao lâu? Những lợi ích mà chúng ta đã đạt được trong hiệp định này là dành cho tất cả các doanh nghiệp, chứ không riêng một doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ cũng sẽ được đối xử bình đẳng như bất cứ doanh nghiệp nào khác. Tùy theo tính chất “thường xuyên” của việc tham gia hội chợ của doanh nghiệp để xác định: liệu doanh nghiệp đó có phải nộp thuế thu nhập tại nơi tổ chức hội chợ hay không. Hiệp định có cả một điều riêng qui định các tiêu thức để giải quyết về vấn đề này. Đó là Điều 5 - Cơ sở thường trú. Thời gian hưởng lợi từ hiệp định ít nhất là 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Từ năm thứ sáu trở đi, nếu không có bên nào đề nghị chấm dứt hiệu lực của hiệp định thì các lợi ích của Hiệp định vẫn tiếp tục được duy trì. Điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng các lợi ích của hiệp định này là gì, thưa bà? Để được hưởng các lợi ích của Hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam không cần bất cứ điều kiện gì ngoài điều kiện là đối tượng cư trú của Việt Nam. Vậy khi thực hiện miễn, giảm và hoàn thuế theo Hiệp định các doanh nghiệp phải làm những thủ tục gì, thưa bà? Cụ thể thì họ có thể liên hệ với các cơ quan nào? (Tổng cục Thuế hay cơ quan thuế địa phương?) và trong trường hợp gặp phải vướng mắc về hiệp định, cơ quan nào sẽ đứng ra giải quyết và bảo vệ lợi ích cho họ? Đối với các doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư tại Việt Nam, để được miễn, giảm và hoàn thuế thu nhập tại Việt Nam theo Hiệp định, tùy theo loại thu nhập các doanh nghiệp Hồng Kông cần thực hiện các thủ tục qui định tại Thông tư số 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 và Thông tư số 60/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong trường hợp có sự vướng mắc trong quá trình thực hiện hiệp định, các doanh nghiệp Hồng Kông có thể liên hệ với các cơ quan thuế địa phương của Việt Nam để được giải quyết. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của cơ quan thuế địa phương, họ có thể đề nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) giải quyết. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Hồng Kông, để được miễn, giảm và hoàn thuế thu nhập tại Hồng Kông thì cần tuân theo các thủ tục do chính quyền Hồng Kông qui định. Trong trường hợp cần thiết, họ có thể đề nghị cơ quan thuế Việt Nam - cụ thể là Tổng cục Thuế giúp đỡ để làm việc với nhà chức trách có thẩm quyền của Hồng Kông - Cơ quan Thuế Hồng Kông. Xin cảm ơn bà! Minh Đức thực hiện

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/6623/seo/hiep-dinh-tranh-danh-thue-hai-lan-giua-viet-nam-va-hong-kong-nhieu-loi-ich-cho-doanh-nghiep-hai-ben/language/vi-vn/default.aspx