Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Doanh nghiệp phải chuẩn bị cho “sân chơi mới”

Mặc dù vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa kết thúc, Việt Nam chưa thành thành viên chính thức của tổ chức này, song các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang cố gắng đẩy mạnh đầu tư nhằm nắm bắt cơ hội sản xuất và kinh doanh.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện

với khó khăn, thách thức

Ảnh: Hoàng Long

Doanh nghiệp Việt phải cải thiện điều kiện sản xuất

TPP đang trong vòng đàm phán thứ 18, từ ngày 14 đến 25-7 tại Malaysia. Dự kiến, các vòng đàm phán TPP sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Nếu thời gian tới Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPP thì hàng hóa Việt Nam vào các nước và ngược lại sẽ không còn những ranh giới nhất định, sân chơi trên thương trường càng ngày càng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, cùng với nhiều cơ hội tích cực, các chuyên gia cho rằng: Nếu DN không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguyên liệu, dây chuyền sản xuất… thì không chừng DN Việt Nam không những không mở rộng cạnh tranh được với các nước mà còn có khả năng mất trắng thị phần tại sân nhà.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì các cơ hội sẽ không được phát huy mà thách thức sẽ tạo thêm sức ép cho các DN. Thực tế, cũng giống như TPP, Việt Nam kỳ vọng rất nhiều trước khi gia nhập WTO, nhưng sau 6 năm gia nhập WTO kết quả không được như mong đợi. Nguyên nhân này chủ yếu do DN Việt thiếu bước chuẩn bị tốt để đón nhận những cơ hội và thách thức. Theo ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập WTO, vào TPP, ngành dệt may và giày dép được giảm thuế nhiều nhất. Mặc dù vậy, trong thuận lợi này DN cũng phải đối đầu với một loạt những vấn đề rất chặt chẽ như: xuất xứ, điều kiện môi trường, lao động… Như dệt may, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được hưởng thuế suất 0% (khi vào TPP) nhưng sự xem xét xuất xứ, nguyên liệu của sản phẩm hoàn toàn không đơn giản và nhiều "rào cản” khác sẽ hình thành. Trong đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm dệt may của Việt Nam lại nhập khẩu gần 90% từ Trung Quốc (nước nằm ngoài TPP). Vì vậy, nếu ta không liên kết chuỗi thì dệt may rất khó hưởng lợi, thậm chí, phải đối đầu với thách thức. Nói chung phần lớn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành xuất khẩu của chúng ta đang được nhập từ Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc. Không chỉ rào cản về nguyên liệu mà hàng loạt các quy định kỹ thuật khác về nhãn mác, đóng gói, dư lượng hóa chất… sẽ phải hứng chịu các quy định về kỹ thuật khắt khe.

Doanh nghiệp FDI đang đón đầu TPP

Việt Nam được đánh giá là quốc gia thu được nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định TPP, đặc biệt là cơ hội tiếp cận thị trường của các nước TPP hơn 700 triệu người, thuế suất của các nước gần như sẽ được cắt giảm toàn bộ. Chính vì vậy, nhằm đón đầu cơ hội đầu tư từ TPP mà Việt Nam đang đàm phán với một số nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đang tích cực tăng nguồn vốn tăng đầu tư, mở rộng sản xuất vào các ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam như sợi dệt, điện tử, linh kiện và hệ thống bán lẻ… Theo Bộ KH&ĐT, hơn 350 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được đổ vào ngành dệt may và sợi. Mới đây nhất, công ty KyungBang (Hàn Quốc) vừa đưa vào hoạt động nhà máy sợi tại Bình Dương trị giá 40 triệu USD, công suất sản xuất là 6.600 tấn sợi/năm. Nhiều tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Kumho… cũng đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, khoảng giữa tháng 6-2013, tập đoàn TAL (Hồng Kông) chuyên về sản phẩm may mặc đã có chuyến công du tới Việt Nam và đã làm việc với Bộ KH&ĐT để bày tỏ mong muốn được mở một tổ hợp sản xuất mới, bao gồm các nhà máy se sợi, nhuộm và dệt may để bắt đầu cho kế hoạch đầu tư mới. Một khi Việt Nam tham gia TPP, các sản phẩm của TAL xuất khẩu sang Mỹ, thay vì chịu thuế suất 7% như hiện nay, sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đó có thể được coi là bước đón đầu của TAL trong việc Việt Nam sẽ tham gia TPP trong thời gian tới. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, các nhà nhập khẩu lớn nhất của Mỹ như Walmart, Knoger và Lowe đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mua hàng trực tiếp.

Như vậy, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang "ngấp ghé” xây dựng nhà máy ở Việt Nam để đón nhận những cơ hội khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP. Điều này đồng nghĩa với việc DN Việt Nam đang đối diện với khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh với những "người khổng lồ” từ các nước.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67163&menu=1366&style=1