Hiệp định RCEP là gì? RCEP có quan trọng như TPP?

Sau khi TPP đang gặp vướng mắc từ Mỹ, RCEP là hiệp định được nhiều người hy vọng sẽ đem lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam.

RCEP là gì?

RCEP (Hiệp định đối tác toàn diện khu vực) là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác, gồm:Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6.

Được đưa ra vào năm 2013, mục đích của RCEP là thiết lập sự hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa ASEAN với các đối tác, tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nếu thành công, RCEP sẽ tạo ra khu vực kinh tế với tổng dân số 3,4 tỷ người, chiếm gần 30% giá trị thương mại toàn cầu.

Trong tương lai, Hiệp định RCEP có thể được mở rộng để kết nạp thêm nhiều quốc gia khác.

Nếu được thông qua, đây là hiệp định đầu tiên kết nối 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; cũng là lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc được xem là động lực của RCEP - hiệp định vốn được xem bài toán thay thế trước sự ra đời của TPP do Mỹ dẫn đầu.

Có 7 thành viên của RCEP đồng thời là thành viên TPP bao gồm Australia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore, Việt Nam và Brunei.

Các lĩnh vực trong Hiệp định RCEP

Theo kế hoạch ban đầu, những mảng bao phủ chính gồm có thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế/kỹ thuật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP), cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử và các vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (vấn đề sau cùng bao gồm việc giúp gắn kết khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang chiếm hơn 90% các doanh nghiệp thành lập trên toàn Hiệp định RCEP).

Hiện tại, Hiệp định RCEP đã đi tới vòng đàm phán thứ 15 và trong khi mọi người hy vọng hiệp định này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016, thì nhiều khả năng, sẽ bị kéo dài qua năm 2017 và kết thúc vào vào giữa năm 2017.

Tầm quan trọng của RCEP với Asean

Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ thu hút các công ty nước ngoài đến sản xuất tại ASEAN. Khu vực này luôn có những kế hoạch để hội nhập bằng cách thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Theo ước tính, đến năm 2030, AEC sẽ thúc đẩy GDP cơ sở của khu vực khoảng 5% nhờ vào việc loại bỏ những rào cản đầu tư và tự do hóa dịch vụ, đặc biệt là thông qua các dịch vụ tài chính.

Đặc biệt, điểm thu hút chính của AEC là đề xuất một cơ sở sản xuất duy nhất trên toàn ASEAN bằng cách phá bỏ các rào cản đối với chuỗi cung ứng xuyên quốc gia (điều này được thực hiện bằng cách tự do hóa hàng hóa và dịch vụ thương mại, đầu tư, và dòng chảy lao động có tay nghề).

Ngoài ra, tăng cường tiếp cận thị trường nước ngoài là điều bắt buộc, và đó là lý do Hiệp định RCEP rất quan trọng.

Theo đánh giá của Trung tâm Thương mại châu Á, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn nếu RCEP kết thúc thành công, nâng cao khả năng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á khác không tham gia TPP có thể nhận được lợi ích từ RCEP nhưng mức độ và quy mô sẽ phụ thuộc vào “chất lượng” của thỏa thuận cuối cùng. Các nhà phân tích cho rằng, những nước này thực sự cần đạt được kết cục tốt hơn trong RCEP để có thể duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

NGỌC BÉ (Tổng hợp)

Xem thêm video:

[mecloud]CZk4OzfTTp[/mecloud]

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/hiep-dinh-rcep-la-gi-rcep-co-quan-trong-nhu-tpp-a171403.html