Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật bắt đầu có hiệu lực

Ngày 24-6, với đa số phiếu thuận, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA). Như vậy, với việc Hạ viện đã thông qua hiệp định trên vào ngày 28-5, VJEPA đã chính thức được Quốc hội Nhật Bản thông qua và điều đó có nghĩa là Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 24-6.

Từ tháng 1-2007, ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu tiến hành đàm phán về VJEPA. Sau 9 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán không chính thức, hai bên đã hoàn tất thỏa thuận trên nguyên tắc vào tháng 9-2008 và chính thức ký hiệp định vào ngày 25-12-2008. VJEPA là hiệp định tự do thương mại thứ 10 mà Nhật Bản ký kết với các nước. Với Việt Nam, VJEPA là hiệp định tự do thương mại song phương đầu tiên kể từ khi gia nhập WTO. Nội dung chính của VJEPA là tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước trên các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, giao thông vận tải. VJEPA đem lại sự cân bằng về lợi ích, có tính tới các lĩnh vực nhạy cảm của hai nước cũng như sự chênh lệch về trình độ phát triển. Đánh giá về sự kiện này, Đại sứ nước ta tại Nhật Bản, Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh, việc VJEPA được Quốc hội Nhật Bản chính thức thông qua và chính thức có hiệu lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quan hệ hai nước. Đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận nâng quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tháng 4 vừa qua. Theo Đại sứ, hiệp định được thông qua góp phần thực hiện các thỏa thuận giữa hai bên về mặt kinh tế với tư cách là đối tác chiến lược của nhau. Đại sứ cũng cho rằng, việc VJEPA được đàm phán và ký kết trong một thời gian tương đối ngắn, khoảng 21 tháng, chứng tỏ Việt Nam và Nhật Bản đều có nhu cầu sớm kết thúc đàm phán và hiệp định phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Về các bước đi tiếp theo để Việt Nam triển khai thực hiện hiệp định một cách hiệu quả, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho rằng, việc VJEPA chính thức có hiệu lực không có nghĩa là hiệp định sẽ được triển khai một cách suôn sẻ ngay từ đầu mà cần phải có một số bước chuẩn bị. Chẳng hạn, đối với vấn đề xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản, khi Nhật Bản đã mở cửa thị trường nông sản cho Việt Nam, phía Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này, trong đó có vấn đề kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là những vấn đề không chỉ “nóng” ở Nhật Bản mà còn cả ở Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, tới đây Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo và có hệ thống chứng chỉ quốc gia để tạo dựng nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn làm việc ở Nhật Bản và một số nước khác. Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản nên các cơ quan chức năng của hai bên cần tiếp tục thương lượng để đi đến thỏa thuận cụ thể về vấn đề này. Một nội dung khác trong VJEPA là việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giúp cho hàng hóa của Việt Nam không chỉ là các sản phẩm gia công mà còn là hàng hóa có chất lượng và giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và nhiều nước khác… Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nội dung của hiệp định VJEPA rất phong phú, do đó khối lượng công việc hai bên cần làm để triển khai hiệp định có hiệu quả là rất lớn. Mặc dù vậy, Đại sứ tin tưởng rằng với sự nỗ lực của cả hai bên, hiệp định sẽ sớm đi vào cuộc sống. Sáng 25-6, tại Hà Nội, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo giới thiệu VJEPA nhằm giới thiệu khái quát về Hiệp định; lộ trình cắt giảm thuế quan; quy tắc xuất xứ hàng hóa, những cơ hội và tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản... Ông Lê Triệu Dũng, Vụ chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết, theo VJEPA, Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm tới; hầu hết thuế suất đối với các mặt hàng công nghiệp sẽ ở mức rất thấp (từ 0 đến 5%). Đối với các mặt hàng về nông nghiệp, lâm sản, thủy sản sẽ được giảm thuế. Cụ thể, đối với mặt hàng cà phê và chè, Nhật Bản sẽ cắt giảm dần thuế suất đối với các mặt hàng này, đưa xuống 0% trong vòng 15 năm. Đối với mặt hàng hoa quả như sầu riêng xuất khẩu sang Nhật sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Nhật sẽ xóa bỏ dần thuế quan đối với hạt tiêu, ngô ngọt trong vòng 5-7 năm. Các sản phẩm tôm xuất khẩu sang Nhật sẽ được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng mực, bạch tuộc sẽ được hưởng mức thuế 0% sau 5 năm. Phát biểu tại hội thảo, ông Ken A-ra-ka-oa, cố vấn cao cấp của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nhấn mạnh: Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là một đối tác tin cậy. Chính phủ Nhật Bản luôn phối hợp và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản; nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế của Việt Nam. Nhật Bản là nước đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm và luôn nằm trong số những nhà đầu tư lớn hàng đầu. Cho đến nay, hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, có sức cạnh tranh và hàm lượng kỹ thuật cao; trong đó, có nhiều sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tham gia tích cực vào xuất khẩu. PV và TTXVN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/81854/Default.aspx