Hiền và tài

Từ xa xưa, ông cha ta đã khẳng định "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" và việc tuyển người hiền tài để giao việc đã thành quốc sách trong con đường đi lên của dân tộc. Ngày nay, khái niệm trên càng được nhắc đến nhiều song thế nào là "hiền" và "tài" tưởng đơn giản nhưng nhiều khi cũng phải bàn do những xê dịch khái niệm phụ thuộc vào thực tế đời sống.

Người tài là người giỏi, ai cũng hiểu và phải chọn người tài ra gánh vác công việc xã hội phù hợp với tài năng của nhọ cũng là một tất nhiên mà ai cũng hiểu. Thế nhưng người tài được giao việc, giao chức vụ khác hẳn với khái niệm cứ được giao việc, giao chức vụ là thành người tài. Trong cuộc sống hiện nay, không hiếm chuyện người có chức vụ làng nhàng, bằng cấp cũng tàm tạm, thế nhưng sau khi có chức vụ lớn hơn lập tức nhanh chóng có thêm học hàm học vị . Không biết khi trách nhiệm lớn hơn, công việc bận rộn nặng nề hơn sao lại thể hiện được tài năng qua bằng cấp nhanh và gọn đến thế. Không ít vị thủ trưởng nói câu nào cũng được cấp dưới tán dương là đúng đắn và sáng suốt, đến kể chuyện cười cũng được cấp dưới cười nghiêng ngả nhưng sau khi về hưu thì vẫn ông bà ấy mà nói không ai nghe, kể chuyện cười chẳng ai buồn nhếch mép! Cứ cấp trên là có tài, là hiểu biết hơn cấp dưới về mọi lĩnh vực đã thành quan niệm phổ biến và điều này thật sự kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trên nói dưới không dám phản biện, tranh luận nhỡ có việc bất cập xảy ra thì lỗi lại thuộc về cậu đánh máy, chị văn thư. Vậy người tài không chỉ là người giỏi, nhiều hiểu biết, lắm sáng tạo mà gốc của chữ "tài" này là biết nghe. Có trình độ mới đủ biết mình biết người, biết đúng sai từ những góp ý, phản biện. Biết nghe mới có thể bổ sung thêm cho mình tri thức và kinh nghiệm để sáng tạo bởi sự hiểu biết là vô cùng. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nhắc nhở cán bộ phải lắng nghe quần chúng vì không phải "cứ là lãnh đạo thì cái gì cũng giỏi" vì "Thi nấu cơm thì Bác thua chị cấp dưỡng, thi bắn súng thì Bác thua chú binh nhì, thi hát thì Bác thua cô văn công". Khái niệm "hiền" trong cặp từ "hiền tài" ngày nay dường như cũng bị xê dịch. Người hiền là người "sạch", không tham nhũng, biết mình biết người và biết hành động theo điều cho là đúng. Nhiều người "hiền" hôm nay rất mực "trung thành" với cấp trên theo cách "đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi" với tinh thần mọi chuyện đã có cấp trên làm thay, nghĩ hộ hoặc trách nhiệm thuộc về tập thể. Nếu "hiền" thế này làm sao có một Đại tướng Võ Nguyên Giáp dám bác bỏ nghị quyết đánh nhanh thắng nhanh trong 3 ngày đã được thông qua ở Chiến dịch Điện Biên để lùi kế hoạch tấn công, kéo dài trận đánh tới 56 ngày đêm làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Nếu "hiền" như một số cán bộ ăn theo nói leo hiện nay làm sao có một Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc dám đi trước thời đại, phá bỏ những tư duy xơ cứng, trì trệ và thiếu thực tiễn? Sự thay đổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên và của Bí thư Kim Ngọc ngỡ chỉ xảy ra trong một chiến dịch, một tỉnh nhưng sự thay đổi ấy đã dẫn đến đổi thay số phận một dân tộc, bắt đầu từ sự ý thức và dũng cảm nhìn nhận ra những vật cản trong tư duy của chính mình. Những anh hùng vĩ đại ấy là hiền tài của đất nước có đủ cả trí và dũng để nhận biết, ra những quyết định sáng suốt cũng như đủ bản lĩnh để vượt qua những trở ngại, thậm chí sẵn sàng dấn thân để vì dân, vì chân lý. Hiền tài là nguyên khí quốc gia và dân tộc ta chưa bao giờ thiếu nguyên khí. Để nguyên khí thành sức mạnh, xã hội ta rất cần có một không khí sinh hoạt tinh thần mới, văn minh và văn hóa, sòng phẳng và minh bạch. Người có thẩm quyền biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt, không tự ái và quy chụp cấp dưới. Mỗi con dân nước Việt đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết để đóng góp và sáng tạo thật sự trên từng vị trí của mình. Đất nước sẽ hóa rồng bởi dân tộc ta là một dân tộc có văn hiến, nguyên khí ăm ắp bởi những hiền tài... LÊ QUÝ HIỀN

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20101016080052693p61c69/hien-va-tai.htm