“Hiện tượng” VPBank

VPBank đang trở thành một “hiện tượng” khi vọt lên trước nhiều ngân hàng trong khối ngân hàng TMCP về lợi nhuận. Chiến lược sử dụng vốn khôn ngoan đang  giúp VPBank trở thành một trong những ngân hàng đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất và cổ phiếu VPBank được giới đầu tư chú ý trước thềm IPO.

Tính đến thời điểm 30-6-2017, VPBank có vốn chủ sở hữu đạt 19.523 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 248.713 tỉ đồng. Trong số 11 ngân hàng đang niêm yết, VPBank đứng thứ 8 về tổng tài sản, đứng thứ 6 về quy mô vốn chủ sở hữu, song kết quả kinh doanh lại rất khác.

Lợi nhuận tăng nhanh

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, sau khi trừ đi chi phí hoạt động và dự phòng, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 3.260 tỉ  đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.600 tỉ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trước đó, kết thúc năm 2016, ngân hàng này cũng thu về 3.935 tỉ đồng, chỉ đứng sau BIDV, Vietinbank và Vietcombank – những ngân hàng có quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu cao hơn rất nhiều.

Như vậy, xét về lợi nhuận, từ năm 2016 đến nay, VPBank đã vươn lên đứng thứ tư hệ thống và đứng đầu khối ngân hàng TMCP.

Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất là khả năng sinh lời của ngân hàng. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của VPBank trong năm 2016 đạt 25,7%, cao nhất trong số các ngân hàng trên thị trường hiện nay. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) năm 2016 của VPBank là 1,9%, trong khi tỷ lệ bình quân của các ngân hàng chỉ đạt 0,8%. Tỷ suất sinh lời trên vốn cấp 1 đạt 9,6%, trong khi các ngân hàng khác là 8,3%.

Kết quả hoạt động kinh doanh của một số ngân hàng.

Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2016 của các ngân hàng.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), trên thị trường hiện nay, ít có đối thủ nào sánh được với VPBank về khả năng sinh lời và tốc độ, tăng trưởng.

Sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận của VPBank diễn ra liên tục trong vòng 5 năm qua cho thấy sự phát triển này khá bền vững. Cụ thể, năm 2012, ngân hàng chỉ đạt 635 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế thì năm 2013 lãi ròng 1.017 tỉ đồng, đến năm 2014 tăng lên 1.253 tỉ đồng, năm 2015 lãi gấp đôi lên 2.395 tỉ đồng và năm 2016 lãi 3.935 tỉ đồng, dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân.

Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt 46-48%, năm 2017, dự kiến ngân hàng sẽ có lợi nhuận sau thuế 5.754 tỉ đồng và năm 2018 là 8.528 tỉ đồng.

“Khẩu vị” khác người

Hiện tại, phần lớn lợi nhuận của VPBank vẫn từ hoạt động cho vay. Tính đến cuối năm 2016, quy mô tín dụng của VPBank đạt 144.673 tỉ đồng, đứng thứ 8 trong số 11 ngân hàng lên sàn.

Cho vay ít, song lợi nhuận lại cao, điều này cho thấy từng đồng vốn tại VPBank được sinh lời một cách tối đa.

Vì sao VPBank làm được điều này?

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Mô hình của các ngân hàng tại Việt Nam khá truyền thống, hầu hết đều nhắm vào những phân khúc khách hàng khá giống nhau. VPBank có cách tiếp cận khác và cách tiếp cận của VPBank đang mang lại hiệu quả nhanh nhất. Chúng tôi luôn xác định phải có tầm nhìn dài hạn, song cũng phải tạo ra những giá trị và tăng trưởng trước mắt”.

Sự khác biệt mà Tổng giám đốc VPBank nhắc đến, chính là "khẩu vị kinh doanh" nhắm vào các phân khúc có tính rủi ro cao, đi kèm lợi nhuận cao. Thu nhập lãi cận biên (NIM) của VPBank luôn ở mức xấp xỉ 4%, thậm chí cao gấp đôi nếu tính chung cả FE Credit (các ngân hàng khác thường dưới 3%).

Cụ thể, lãnh đạo VPBank đã quyết định nhắm vào 4 đối tượng: Khách hàng cá nhân, Khách hàng SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa), Tín dụng tiểu thương và Tín dụng tiêu dùng thay vì tập trung vào các doanh nghiệp lớn trên thị trường như các ngân hàng khác.

Trong đó, FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng - đang trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank, đóng góp tới một nửa vào tổng lợi nhuận của ngân hàng. Với hướng đi riêng là cho vay tiền mặt, chỉ sau vài ba năm, FE Credit đã nhanh chóng vươn lên chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng (48%). Năm 2016, lãi thuần của công ty này lên tới hơn 7.900 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm nay đã lên tới 5.324 tỉ đồng. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 40%, FE Credit được dự báo tiếp tục là cỗ máy in tiền cho VPBank.

Một số chỉ tiêu hoạt động của FE Credit

Đơn vị tính: tỉ đồng

Hiện tại, bên cạnh duy trì tốc độ tăng trưởng của FE Credit, VPBank cũng đang đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, cho vay hộ tiểu thương…

Dịch vụ tín dụng tiểu thương (CommCredit) mới được ngân hàng triển khai 18 tháng song đã có hơn 50.000 khách hàng.  Dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thu hái được nhiều thành quả. Khách hàng của VPBank trong khối SME tăng từ 32.000 vào năm 2014 lên 35.000 vào năm 2016. Năm 2016, VPBank xác định phân khúc thị trường cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ là một cơ hội tăng trưởng, do đó VPBank đầu tư nguồn lực vào việc phát triển sản phẩm và nhân sự để thành lập bộ phận phục vụ cho đối tượng khách hàng này.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163777/hien-tuong-vpbank.html