Hiện tượng móc ngoặc, gian lận thuế vẫn tiếp diễn

Mỗi khi cơ quan Nhà nước có chính sách mới về xuất nhập khẩu, dường như ngay tức khắc, một số đối tượng kinh doanh đã nghiên cứu để lách, nhằm thu lợi bất chính, trong đó các chiêu lách để trốn thuế, gian lận thuế, móc ngoặc với cán bộ hải quan vẫn được họ triệt để khai thác.

Năm 2009, hàng loạt mặt hàng xuất, nhập khẩu được Nhà nước điều chỉnh mức thuế suất cho phù hợp diễn biến thực tế. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo đó tăng mạnh về khối lượng, chủng loại và chính sự nhộn nhịp, thay đổi khung, mức thuế, chủng loại hàng này trở thành khu vực "nóng" vi phạm pháp luật về thuế, hải quan. Phân tích các hành vi vi phạm trong thời gian gần đây cho thấy, các doanh nghiệp, cá nhân thường lợi dụng bất cập, sơ hở của các chính sách ưu đãi, cơ chế quản lý để vi phạm, điển hình như việc lợi dụng phân luồng ưu tiên miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, khai sai tên hàng, mã hàng, chủng loại, số lượng. Hành vi lợi dụng loại hình tạm nhập, tái xuất và ưu đãi đối với doanh nghiệp gia công sản xuất hàng hóa xuất khẩu... Nếu như năm trước, các vi phạm chủ yếu là làm giả hồ sơ, chứng từ, kê khai sai mức giá thực tế để giảm thuế thì gần đây, hiện tượng doanh nghiệp trong nước móc nối với đối tác ở nước ngoài một cách bài bản, có hệ thống làm giả hồ sơ, kê sai giá thực để hạ giá hàng hóa gian lận thuế diễn ra khá nhiều. Có doanh nghiệp móc nối với đối tác bên ngoài thực hiện chiêu bài này một cách chuyên nghiệp, hưởng lợi lớn. Có vụ giá trị hàng hóa kê sai rất lớn, gian lận nhiều tỷ, điển hình vụ Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Đồng Nai phát hiện Công ty Shelsol Việt Nam áp mã sai hàng hóa nhập khẩu, gian lận 10 tỷ đồng... Theo Tổng cục Hải quan, năm 2009 và tháng 1/2010, lực lượng kiểm soát hải quan đã bắt giữ được hơn 13 nghìn vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 481 tỷ đồng. Trong đó, nhiều vụ đình đám như vụ vận chuyển ngoại tệ số lượng lớn qua biên giới, các vụ nhập pháo lậu, thuốc lá ngoại, vận chuyển vàng trái phép... Tuy nhiên, con số thống kê chỉ phản ánh một phần thực tế. Hoạt động lách luật diễn ra sau thông quan cũng vẫn tiếp diễn. Đó là vi phạm trong các lĩnh vực hàng nhập theo chế độ ưu đãi đầu tư, trị giá hàng nhập khẩu, cửa hàng miễn thuế. Nhiều vụ được phát hiện cho thấy, doanh nghiệp tìm cách áp mã tính thuế thấp hơn so với hàng thực nhập như mặt hàng điện dân dụng, đồ gia dụng, điện tử, phí bản quyền, phí kỳ vụ, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô, cơ cấu giá trị mặt hàng than xuất khẩu, vấn đề miễn thuế nhập khẩu của các dự án đầu tư. Các mặt hàng dễ có gian lận về giá tính thuế như xe máy, linh kiện xe máy, điện lạnh... cũng phát hiện không nhỏ. Ông Phạm Thanh Bình, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan thừa nhận, lực lượng chuyên môn kiểm tra được nhiều vấn đề, vụ việc rất mới, mang tính thời sự, rủi ro cao, gây thất thu thuế lớn cho ngân sách Nhà nước như phí bản quyền, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô, các vi phạm liên quan miễn thuế nhập khẩu của các dự án đầu tư... Tuy nhiên, những phát hiện và xử lý còn quá khiêm tốn. Thực tế, suốt một năm, lực lượng này thực hiện 783 cuộc kiểm tra, ra quyết định truy thu 320,7 tỷ đồng, con số nghe qua có vẻ lớn nhưng kỳ thực số truy thu so số thất thoát là quá ít. Cùng với gần 700 lượt kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, những sai phạm có thể đọc tên: khai sai tên hàng dẫn đến áp sai mã số thuế, khai báo trị giá thấp hơn so với trị giá thực của hàng nhập khẩu. Đáng chú ý, xử lý phí bản quyền truy thu trên 74 tỷ đồng, kiểm tra xe ôtô con và xe chuyên dụng nhập khẩu truy thu trên 51 tỷ đồng, kiểm tra nguyên liệu nhập khẩu sản xuất gia công truy thu 41 tỷ đồng; kiểm tra mặt hàng linh kiện điện tử truy thu trên 14 tỷ đồng, mặt hàng than xuất khẩu truy thu trên 50 tỷ đồng... Trong các chiêu lách luật gian lận thuế hải quan, chiêu móc ngoặc với chính cán bộ hải quan vẫn được nhiều đối tượng triệt để coi trọng. Có lẽ vì nhiều lý do giữa bên vi phạm và bên quản lý, câu chuyện mối quan hệ doanh nghiệp - hải quan vì thế chưa bao giờ giảm nhiệt. Gần đây, Cục Hải quan TP Cần Thơ công khai công bố kỷ luật 8 cán bộ thuộc quyền với hình thức cảnh cáo do sai phạm trong thực hiện các quy trình hải quan và pháp luật về xuất khẩu cát trên địa bàn... Ngành Hải quan đang cố gắng chống tiêu cực, nhưng sự tồn tại mang tính lệ thuộc lẫn nhau giữa hải quan - doanh nghiệp trong một bộ phận nào đó thì không thể chống bằng những giải pháp thuần túy như đã công bố

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/anninhkinhte/phongsudieutra/2010/1/157809.cand