Hiện tượng lạ ngành khoáng sản: Càng lỗ càng mở rộng sản xuất

Dù số doanh nghiệp lỗ, tổng mức lỗ tăng lên qua các năm, tuy nhiên điều ngịch lý là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lại liên tục mở rộng quy mô sản xuất.

Kinh doanh thua lỗ vẫn mở rộng sản xuất

Theo “Báo cáo đánh giá mức độ tuân thủ các quy định trong ngành khoáng sản” của VCCI, nhìn tổng thể, ngành khai khoáng Việt Nam đang tồn tại khá nhiều mâu thuẫn.

Nổi bật là nghịch lý kết quả kinh doanh thường không khả quan nhưng mức lương của người lao động và kì vọng kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lại cao hơn các lĩnh vực khác.

Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê giai đoạn 2010 – 2014 cho thấy số doanh nghiệp khai khoáng có lãi đã giảm từ 1.518 xuống còn 1.277; tổng mức lãi cũng giảm từ 82.222 tỷ đồng xuống còn 78.740 tỷ đồng (năm 2013).

Tương ứng với đó, số doanh nghiệp thua lỗ đã tăng từ 502 lên 944; tổng mức lỗ tăng từ (âm) 1.168 tỷ đồng lên mức (âm) 10.127 tỷ đồng; mức lỗ bình quân cũng gia tăng từ (âm) 2,2 tỷ đồng lên (âm) 10,7 tỷ đồng.

Kết quả điều tra PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cũng cho thấy các doanh nghiệp khai khoáng có tỷ lệ khai báo lỗ cao hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp khai khoáng báo lỗ năm 2012 lên đến 30%, trong khi các doanh nghiệp khác chỉ là 21%. Con số này trong năm 2013 lần lượt là 32% và 26%.

Tuy nhiên khi được hỏi dự định kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, câu trả lời của các doanh nghiệp khai khoáng (tham gia trả lời PCI trong nhiều năm) đều cho thấy họ có ý định mở rộng sản xuất cao hơn so với các doanh nghiệp khác.

Năm 2014, kì vọng kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp đều tăng so với năm 2013. Trong đó, nhóm khoáng sản có mức tăng cao nhất, đạt 62%, trong khi các doanh nghiệp khác chỉ ở mức 46%.

Doanh nghiệp khai khoáng mở rộng quy mô sản xuất dù thua lỗ

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê (công bố năm 2016) tiền lương bình quân hàng tháng năm 2015 của lao động trong ngành khai khoáng khá cao so với mức bình quân chung.

Cụ thể, tiền lương bình quân tháng của lao động trong ngành khai khoáng là 6,2 triệu đồng, cao hơn mức chung là 4,7 triệu đồng.

Tính trong toàn bộ các ngành kinh tế, tiền lương bình quân tháng của lao động trong ngành khai khoáng đứng thứ 6, sau các ngành: Hoạt động tài chính, ngân hàng & bảo hiểm; thông tin & truyền thông; hoạt động chuyên môn, khoa học & công nghệ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí; Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế.

Khi tính tương quan mối quan hệ giữa kết quả kinh doanh và kỳ vọng kinh doanh, các doanh nghiệp bình thường cho kết quả tương quan khá cao, 19,05%, trong khi đó tỷ lệ này của các doanh nghiệp khoáng sản chỉ đạt 10,19%.

Như vậy, tồn tại một sự không thống nhất đến khó hiểu giữa báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khoáng sản và kỳ vọng kinh doanh của họ: càng lỗ càng mở rộng sản xuất, càng lỗ càng kì vọng kinh doanh, lỗ nhưng vẫn duy trì lương công nhân ở mức cao…

Các doanh nghiệp khai khoáng có quan hệ mật thiết với Nhà nước

Một trong những điểm đáng chú ý mà báo cáo của VCCI đưa ra đó là tỷ lệ liên quan đến Nhà nước của doanh nghiệp khai khoáng cao hơn khá nhiều so với các lĩnh vực khác.

Nếu xét các doanh nghiệp quốc doanh, có thể nói khai khoáng là “địa bàn” của các “ông lớn” nhà nước như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam... cùng với nhiều các doanh nghiệp khoáng sản tại các địa phương.

53% các doanh nghiệp khoáng sản dân doanh có mối quan hệ với Nhà nước

Tuy nhiên, điều thú vị là kết quả điều tra PCI năm 2014 đã hé lộ - nếu tính riêng cho nhóm các doanh nghiệp dân doanh - thì tỷ lệ doanh nghiệp khoáng sản có mối quan hệ với Nhà nước cũng cao hơn hẳn so với các lĩnh vực khác.

Theo điều tra này, một doanh nghiệp dân doanh được coi là có quan hệ với Nhà nước khi rơi vào một trong các trường hợp sau: cổ phần hóa từ một doanh nghiệp nhà nước/ có cổ phần được sở hữu bởi Nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước/ có lãnh đạo doanh nghiệp là cán bộ trong cơ quan nhà nước hoặc quân đội/ có lãnh đạo từng là cán bộ quản lý trong cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước.

Xét theo tiêu chí này, có đến 53% các doanh nghiệp khoáng sản dân doanh có mối quan hệ với Nhà nước.

Kết quả điều tra PCI cũng cho biết, các doanh nghiệp khoáng sản vẫn thường nhờ cậy đến các mối quan hệ với cán bộ nhà nước để có thể tiếp cận thông tin về mỏ khoáng sản. Có doanh nghiệp khi trả lời phỏng vấn điều tra đã thẳng thắn thừa nhận: biết đến mỏ khoáng sản thông qua mối quan hệ cá nhân – với cán bộ Nhà nước.

Nhiều mập mờ trong thuế, phí

Theo đánh giá của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khai khoáng của Việt Nam được chia thành nhiều loại phức tạp với tổng mức thu trên một đơn vị tài nguyên cao hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đáng ngại nhất là việc giám sát dòng tiền trở nên rất khó khăn chính do phương pháp tính phức tạp và quy chế quản lý sử dụng không rõ ràng.

Ví dụ, phương pháp tính thuế tài nguyên phải dựa trên sản lượng và giá bán khoáng sản chủ yếu do doanh nghiệp tự khai báo nhưng lại không có cơ chế kiểm toán độc lập và bắt buộc để giám sát.

Một ví dụ khác là phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, mặc dù pháp luật có quy định rằng khoản phí này chỉ được sử dụng để bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản, nhưng do được nhập chung vào ngân sách địa phương nên hầu như không thể xác định việc chi tiêu có đúng mục đích hay không.

Hiện nay, các nguồn thu ngân sách được giám sát theo các quy định về quản lý ngân sách Nhà nước, nhưng mức độ chi tiết và minh bạch chưa cao. Đối với các nguồn thu ngoài ngân sách hoặc các nguồn thu trong ngân sách nhưng có mục đích sử dụng đặc thù thì chưa có biện pháp hữu hiệu để giám sát.

53% doanh nghiệp khai khoáng chấp nhận chi trên 2% tổng thu nhập cho chi phí không chính thức

Đáng chú ý, theo dữ liệu khảo sát PCI các năm từ 2011-2014 của VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các doanh nghiệp khai khoáng đang phải chi trả chi phí không chính thức cao hơn so và phổ biến hơn các doanh nghiệp lĩnh vực khác.

Về mức chi trả cũng cho thấy các doanh nghiệp khoáng sản có xu hướng phải chi trả chi phí không chính thức nhiều hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp khoáng sản phải chi trả trên 2% tổng thu nhập cho chi phí không chính thức là 53%, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp khác chỉ là 41%.

Theo VNF

Nguồn ANTT: http://antt.vn/hien-tuong-la-nganh-khoang-san-cang-lo-cang-mo-rong-san-xuat-0129650.html