Hiện thân của lẽ công bằng

Hôm nay, ngày 10/10, cùng với Ngày Giải phóng Thủ đô cũng là Ngày Luật sư Việt Nam và cũng là Ngày Truyền thống ngành in, xuất bản và phát hành sách. Thật trùng hợp với những sự kiện lịch sử, pháp lý và tri thức.

Đối với Ngày Luật sư Việt Nam thì đây là năm thứ tư được chính thức kỷ niệm, tôn vinh một nghề có từ lâu đời song mới phát triển trong những năm gần đây với một đội ngũ khá hùng hậu, đến nay cả nước có trên 10 nghìn luật sư.

Sứ mệnh nghề nghiệp của luật sư là đấu tranh, giành giật và bảo vệ lẽ công bằng – vốn là mục tiêu của bất cứ nền tư pháp tiến bộ nào lấy pháp luật làm thước đo quan hệ ứng xử giữa người và người. Sứ mệnh nghề nghiệp này chi phối mọi hoạt động, suy nghĩ, hành xử của luật sư, làm nên những tên tuổi lớn và khẳng định vai trò quan trọng của nghề luật sư trong xã hội. Nếu làm trái đi, không theo đúng tôn chỉ của sứ mệnh nghề nghiệp, luật sư đơn giản chỉ còn là thầy cãi.

Đương nhiên, để làm tròn sứ mệnh cao cả này, yêu cầu nghề nghiệp đặt ra với luật sư là rất lớn, từ tri thức pháp lý, hiểu biết cuộc sống, kỹ năng ứng xử đến lương tâm, đạo đức, tình người và cả lòng vị tha. Nghề luật sư không có tuổi, giữ được danh tiếng của mình đến cuối cuộc đời không phải việc dễ dàng gì.

Nghề luật sư là cung cấp dịch vụ pháp lý, một điều mặc định nhắc đến luật sư là nhắc đến tiền. Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, rất nhiều trường hợp được các luật sư bảo vệ miễn phí, thậm chí còn giúp đỡ vật chất cho thân chủ của mình. Điều đó mới làm nên “thương hiệu” của một luật sư chân chính, chứ dứt khoát không phải là thù lao cao hay thái độ “dìm hàng” đồng nghiệp, hoặc nhân danh phản biện xã hội để phát ngôn một cách cực đoan.

Mới đây, cả xã hội đau lòng khi một học sinh ở Yên Bái tự tử vì bị phụ huynh của bạn đánh ngoài đường, bắt quỳ và có người quay video tung lên mạng. Đau lòng hơn, ông bố của đứa trẻ bất hạnh ấy thổ lộ với báo chí rằng đã nhờ luật sư giúp đỡ nhưng họ yêu cầu về tận Hà Nội: “Con chết, còn đứa bé nữa, bây giờ biết làm sao!”.

Thiết nghĩ, các luật sư nên chủ động tìm đến, nhận giúp đỡ pháp lý miễn phí cho trường hợp này, lấy lại sự công bằng cho đứa trẻ xấu số. Cũng như các trường hợp một em bé 13 tuổi khác bị bố đánh dập mông phải nhập viện ở Thái Nguyên, người vợ bị chồng dội nước sôi ở Đắk Lắk,... và những người già, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị hành hạ khốn khổ ở khắp nơi rất cần đến sự trợ giúp của những luật sư – người mang sự công bằng đến từng thân phận.

Sứ mệnh cao cả của nghề nghiệp được thực hành nghiêm túc là bậc thang dẫn tới đỉnh cao vinh quang nghề nghiệp. Chúc đội ngũ luật sư Việt Nam ngày thêm vững mạnh, giàu nhiệt huyết, bản lĩnh vững vàng trong việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ công bằng xã hội”.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/hien-than-cua-le-cong-bang-298784.html