Hiến tặng giác mạc – món quà vô giá cho cuộc đời

Nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc luôn được xã hội ghi nhận, trân trọng và coi đây như những món quà vô giá để lại cho những người còn sống.

Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) vừa tổ chức lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc năm 2016.

Tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương đã tri ân những người đã dũng cảm vượt qua định kiến “chết toàn thây” cũng như gia đình họ nhằm mang lại ánh sáng cho nhiều cuộc đời khác.

Hiện nay ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế khi đó họ sẽ phải sống trong cảnh tăm tối không nhìn thấy ánh sáng và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.

Trong khi đó, kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như Việt Nam. Kỹ thuật có, dụng cụ cũng như trang thiết bị đầy đủ, nhưng cái thiếu duy nhất là làm sao có được giác mạc để ghép. Đó cũng là khó khăn chung trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam – nơi từ ngàn đời nay tư tưởng định kiến “chết toàn thây” đã ăn sâu vào tiềm thức, tư tưởng.

Lễ tôn vinh những người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời năm 2016 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Tại tỉnh Nam Định, từ sau khi ông Lương Văn Hải xóm 11 xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định hiến tặng giác mạc thì phong trào đăng ký và hiến giác mạc tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã phát triển một cách mạnh mẽ. Tính đến nay cả tỉnh Nam Định đã có tổng cộng 13 người hiến tặng giác mạc, riêng huyện Hải Hậu từ 2014 đến nay đã có tổng cộng 8 người tự nguyện hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời để đem lại ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc cho những người mù. Nghĩa cử cao đẹp đó của họ và gia đình luôn được bệnh viện Mắt trung ương, ngành Y tế và toàn thể xã hội ghi nhận, trân trọng và coi đây như những món quà vô giá để lại cho những người còn sống.

Cùng với nghĩa cử cao đẹp đó của những người hiến và gia đình, còn có sự đóng góp của nhiều người khác cùng tham gia vào hoạt động đầy tính nhân văn này. Đó là các các cấp Đảng ủy, các tổ chức chính quyền, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các cộng tác viên tình nguyện tham gia vào phong trào vận động hiến tặng giác mạc. Đặc biệt, các vị Linh mục, các vị chánh trương, bà con giáo dân là những người đi tiên phong, góp phần quan trọng vào việc đem lại ánh sáng cho những người bị bệnh giác mạc.

Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh những người hiến tặng giác mạc năm 2016, anh Đinh Văn Liêm, con trai ông Đinh Văn Hoạt, ở xóm 1, xã Hải Phúc, người đã tự nguyện hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời vào ngày 6/3/2016 nghẹn ngào xúc động khi nhớ về cha mình. Anh Liêm cho biết, khi còn sống, bố anh không may bị mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi được hội chữ thập đỏ tới thăm và động viên, bố anh đã quyết định sẽ hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời để chia sẻ khó khăn với những người không may bị mù lòa. Nguyện vọng ấy của ông Hoạt đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của người vợ và các con. Bản thân anh Liêm cũng nhận thức rõ việc hiến tặng giác mạc của bố là một việc làm có ý nghĩa cao cả, giúp những người mắc bệnh mù lòa thấy được ánh sáng trở lại. Đồng thời việc hiến tặng này cũng được giáo hội công giáo khuyến khích như giáo lý Hội thánh Công giáo đã dạy: “Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý”.

Minh Trí

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hien-tang-giac-mac-mon-qua-vo-gia-cho-cuoc-doi-n123419.html