"Hiến pháp Việt Nam rất tiến bộ và phù hợp với truyền thống, văn hóa Việt Nam"

Ngày 11-12, tác giả Trần Chung Ngọc - một người Mỹ gốc Việt, đăng tải trên sachhiem.com một bài viết với nhiều nội dung, trong đó dành phần lớn phân tích "luận điệu chống Cộng ấu trĩ, mê sảng, rẻ tiền", "hành động côn đồ, vô cương vô pháp rất đáng xấu hổ" của một số kẻ chống cộng từ nước Mỹ "nhìn mọi thứ trong nước rất tiêu cực, luôn luôn tìm cách dẫn giải những điều tích cực trong nước thành tiêu cực". Phần lược trích dưới đây, tác giả Trần Chung Ngọc bàn về dân chủ, nhân quyền và Hiến pháp Việt Nam. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Ngày 11-12, tác giả Trần Chung Ngọc - một người Mỹ gốc Việt, đăng tải trên sachhiem.com một bài viết với nhiều nội dung, trong đó dành phần lớn phân tích "luận điệu chống Cộng ấu trĩ, mê sảng, rẻ tiền", "hành động côn đồ, vô cương vô pháp rất đáng xấu hổ" của một số kẻ chống cộng từ nước Mỹ "nhìn mọi thứ trong nước rất tiêu cực, luôn luôn tìm cách dẫn giải những điều tích cực trong nước thành tiêu cực". Phần lược trích dưới đây, tác giả Trần Chung Ngọc bàn về dân chủ, nhân quyền và Hiến pháp Việt Nam. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

"Tháng 12-1948, LHQ công bố bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, một tài liệu không có tính cách bắt buộc pháp lý. Có hai điều rất căn bản chúng ta cần biết là: Thứ nhất, khi Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ra đời thì Mỹ và đồng minh vừa đánh bại Đức Quốc xã, Nhật Bản và ảnh hưởng của Nga Xô đang bành trướng trên nửa hoàn cầu. Khi đó Mỹ ở thế mạnh nhất về chính trị, kinh tế và quân sự. Anh và Pháp đang lo củng cố hoặc tái lập quyền cai trị ở các thuộc địa. Sáu nước trong khối Nga Xô, Saudi Arabia và Nam Phi vắng mặt, không ký Tuyên ngôn; Thứ nhì, bản Tuyên ngôn không có giá trị công pháp quốc tế (legally non-binding), vì không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là nhân quyền, chỉ đưa ra một số điều khoản mà LHQ, dưới sự chi phối của vài cường quốc, cho đó là nhân quyền, do đó, theo nguyên tắc, không nước nào, cơ quan nào có thể dựa vào Tuyên ngôn để ép buộc bất cứ quốc gia nào phải thi hành những điều khoản trong Tuyên ngôn. Bởi vậy khi đó Pháp đang công khai mở cuộc tái xâm lược Đông Dương với 80% chi phí quân sự do Mỹ đài thọ, hòng tái lập thuộc địa ở Việt, Miên, Lào, một hành động vi phạm trắng trợn mọi nhân quyền của người dân Việt Nam, những quyền ghi trong Tuyên ngôn, mà không có sự phản đối của LHQ. Và việc Mỹ đơn phương tạo nên cuộc chiến ở Việt Nam, đơn phương xóa bỏ hiệp định Geneva, nuốt lời tuyên bố của chính phủ Mỹ (tuy không ký vào Hiệp định Geneva nhưng sẽ không can thiệp vào quyền tự quyết (self-determination) của các dân tộc), đổ quân và vũ khí vào miền nam, ném bom tàn phá ruộng nương, nhà thờ, trường học, nhà thương, chùa chiền, v.v. trên toàn đất nước Việt Nam, trải thuốc khai quang Agent Orange, v.v. để lại nhiều di hại cho người dân Việt Nam cho tới tận ngày nay, không đếm xỉa gì tới nhân quyền và lòng khao khát hòa bình của người dân Việt muốn sống tự do và bình đẳng theo lý trí, lương tri của mình trong cộng đồng quốc tế, cũng không có sự phản đối nào của LHQ...

Chúng ta cũng nên biết, hai tháng trước Hội nghị quốc tế nhân quyền họp ở Vienna năm 1993, những quốc gia Á châu đã họp ở Bangkok và chấp thuận một bản tuyên ngôn nhấn mạnh rằng nhân quyền phải được xét đến "trong bối cảnh của những cá biệt quốc gia và địa phương, và các nền tảng lịch sử văn hóa tôn giáo khác nhau", "theo dõi vấn đề nhân quyền là vi phạm chủ quyền quốc gia", "viện trợ kinh tế với điều kiện, dựa trên tiêu chuẩn nhân quyền là đối ngược với quyền phát triển".

Gần đây nhất, tháng 11-2012, các nước Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã thông qua Tuyên ngôn nhân quyền của các nước Đông - Nam Á (ASEAN Human Rights Declaration)...

Đông và Tây có các quan niệm về nhân quyền khác hẳn nhau. Căn bản quan niệm về nhân quyền của Tây phương xuất phát từ truyền thống tôn giáo Tây phương: quyền của con người là do đấng sáng tạo phú cho (rights are endowed by a Creator). Vì thế trong các xã hội Tây phương, những quyền cá nhân (đều do con người định ra và cho rằng đó là quyền của đấng sáng tạo ban cho) phải được tôn trọng và không được vi phạm, bất kể bối cảnh xã hội mà cá nhân đang sống trong đó là như thế nào. Nhưng đây cũng chỉ là lý thuyết. Các cường quốc Âu Mỹ có thể phần nào, phần nào thôi, tôn trọng nhân quyền trong các nước của họ và theo quan niệm về nhân quyền của họ, nhưng có bao giờ tôn trọng nhân quyền trong các nước nhỏ yếu, đang phát triển. Lịch sử thế giới đã chứng tỏ như vậy. Quan niệm nhân quyền của Á Đông đặt căn bản trên sự kiện là con người không phải là một thực thể riêng biệt, mà có liên hệ tới toàn thể cộng đồng. Do đó, Á Đông đặt quyền lợi của cộng đồng trên quyền của cá nhân. Các xã hội Tây phương đặt nặng chủ nghĩa cá nhân và quyền tự do cá nhân, trong khi các nền văn hóa Á Đông đặt giá trị của sự tự kiểm và trật tự xã hội cao hơn quyền của cá nhân. Người Tây phương có thể coi tự do ngôn luận là một quyền công dân căn bản, trong khi người Á Đông có thể xét đến ảnh hưởng của sự tự do này, trong một số trường hợp đặc biệt trong bối cảnh xã hội, và coi đó là gây sự hỗn loạn trong xã hội, do đó có phương hại đến sự ổn định xã hội, ngăn cản sự phát triển kinh tế, v.v

Vậy tại sao Á Đông lại không chấp nhận quan niệm về nhân quyền của Tây phương? Ngoài những bất đồng về văn hóa, xã hội, nhân sinh,... giữa những nền văn minh khác nhau, Á Đông còn coi sách lược lưỡng chuẩn (double standard - hay còn gọi là "tiêu chuẩn kép") về nhân quyền của Tây phương như là một sự áp đặt để đạt các mục đích kinh tế, tôn giáo. Tây phương, với bản chất đế quốc, chưa bao giờ tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới. Noam Chomsky, một học giả lừng danh của Mỹ, đã viết: "Thật ra chính sách ngoại giao của Mỹ là đặt căn bản trên nguyên tắc không liên quan gì đến nhân quyền, mà là liên quan nhiều đến sự tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho ngoại thương"... Dân chủ và nhân quyền theo quan niệm của Mỹ là mục tiêu tranh đấu nghe rất hấp dẫn của một số người Việt lưu vong chống Cộng, và một số người chống Cộng ngu ngơ trong nước, dù rằng họ không mấy hiểu về dân chủ và nhân quyền,... Kể từ ngày nước nhà thống nhất, một bộ phận người Việt chống Cộng ở hải ngoại đã tốn không biết bao nhiêu là công sức nhưng đã hơn 38 năm qua rồi, họ đã đạt được những gì? Những thay đổi chính trị và xã hội mở rộng nhân quyền ở trong nước, phần lớn là do xu thế thời đại chứ không do áp lực bên ngoài. Việc lợi dụng dân chủ và nhân quyền lại phản tác dụng, đưa đến sự thất bại. Tại sao vậy? Có thể nói ngay rằng, những người chống phá Việt Nam về nhân quyền chưa bao giờ để tâm nghiên cứu thế nào là nhân quyền, và nhất là những người ở nước ngoài chưa bao giờ về Việt Nam, quan sát xã hội, thu thập những dữ kiện chính xác. Ngoài ra, đạo đức cá nhân và trình độ hiểu biết của những người thường lớn tiếng tranh đấu cho nhân quyền cũng là một trở ngại lớn, khoan kể đến bản chất làm tay sai, có thể là do vô minh hoặc vô tình, cho một thế lực thế tục hay tôn giáo ngoại bang của một số người tranh đấu.

... Đọc Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN chúng ta thấy rõ có nhiều điều khác biệt về quan niệm về nhân quyền so với Tây phương, phản ánh quan niệm nhân quyền trong các nền văn hóa Á Đông. Thí dụ, Điều 6 viết: "Sự hưởng những nhân quyền và tự do căn bản phải được cân nhắc với sự thi hành những bổn phận tương ứng vì ai nấy đều có trách nhiệm đối với mọi người khác, đối với cộng đồng và xã hội mà họ sống trong đó. Sau cùng thì trách nhiệm chính của mọi quốc gia thành viên của ASEAN là xúc tiến và bảo vệ mọi quyền của con người và quyền tự do căn bản", Điều 7: "Mọi quyền của con người thì phổ quát, không thể chia xẻ, tùy thuộc lẫn nhau và liên hệ với nhau. Mọi quyền và tự do căn bản của con người phải được đối xử công bằng và bình đẳng, đặt trên cùng một căn bản và tầm quan trọng. Cùng lúc, ý thức về nhân quyền phải được cân nhắc trong tình huống của địa phương và quốc gia, xét đến những bối cảnh khác nhau về chính trị, kinh tế, luật pháp, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo", Điều 8: "Nhân quyền và những quyền tự do của mỗi người sẽ phải được sử dụng với sự quan tâm thích đáng tới nhân quyền và những quyền tự do căn bản của những người khác. Việc sử dụng những quyền và quyền tự do căn bản của con người chỉ bị những hạn chế quy định bởi luật pháp với mục đích duy nhất là bảo đảm sự công nhận thích đáng về những quyền và quyền tự do căn bản của những người khác, và để đáp ứng những đòi hỏi của an ninh quốc gia, trật tự xã hội, lành mạnh công cộng, an toàn công cộng, đạo đức công cộng, cùng hạnh phúc của con người trong một xã hội dân chủ"...

Những điều khoản trên rất phù hợp với Điều 19 trong bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, và các Điều 18, 19, 20 và 21 trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và quyền chính trị, Công ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Đọc văn bản Hiến pháp (sửa đổi) mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua, nhất là Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tôi thấy Hiến pháp Việt Nam rất tiến bộ và phù hợp với truyền thống, văn hóa Việt Nam, quyền con người có liên hệ tới quyền của mọi người khác trong xã hội, cộng đồng, và phải nằm trong quy định của pháp luật.

Thực tế là nhân quyền, hiểu một cách hạn hẹp, nhiều khi bị lạm dụng, trong khi bổn phận của con người trong xã hội hoặc thi hành hoặc trốn tránh chứ không thể lạm dụng. Ở Việt Nam gần đây có những người lạm dụng về nhân quyền, vì không ý thức được thế nào là bổn phận và trách nhiệm công dân. Tất cả các vụ án như với Nguyễn Văn Lý, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Phương Uyên, v.v. và các vụ ở Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Mỹ Yên đều là lạm dụng nhân quyền. Bảo đảm nhân quyền không có nghĩa là công dân muốn làm gì thì làm, bất kể luật pháp... Giáo dục là vũ khí quan trọng nhất để giữ nước và xây dựng nước. Cho nên Nhà nước nên đặt ưu tiên trong quốc sách giáo dục quần chúng, nhất là giáo dục về luật pháp, đề cao trách nhiệm xã hội, kể cả trách nhiệm trong vấn đề tự do tín ngưỡng".

TRẦN CHUNG NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/21916802-hien-phap-viet-nam-rat-tien-bo-va-phu-hop-voi-truyen-thong-van-hoa-viet-nam.html