Hiến pháp 1946: Bản hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc nói về giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản Hiến pháp đầu tiên này tại Hội thảo Khoa học “70 năm Hiến pháp Việt Nam” tổ chức ngày 5.11 tại Văn phòng Quốc hội.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bản Hiến pháp 1946 đã khẳng định những tư tưởng cơ bản về sự lựa chọn con đường phát triển của Dân tộc Việt Nam hiện đại sau khi đã đánh đổ chế độ thực dân để trở thành một quốc gia độc lập và chấm dứt chế độ phong kiến từng tồn tại ngàn năm để lựa chọn một thể chế chính trị hiện đại dựa trên nguyên lý Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc vào ngày 2.9.1945.

Cốt lõi cái mới trong mô hình dân chủ thể hiện trong bản Hiến pháp 1946 chính là sự lựa chọn mô hình một viện, được định danh là “Nghị viện Nhân dân” (tương tự như Quốc hội) là cơ quan tập trung quyền lực, có “quyền biểu quyết những dự án, sắc luật của Chính phủ”, có “quyền giám sát và phê bình Chính phủ” nhưng vấn đề mấu chốt chính là “quyền phúc quyết của nhân dân” với những nội dung liên quan đến Hiến pháp thì “những thay đổi khi đã được nghị viên ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”

Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo khoa học. Ảnh Trần Vương

Cùng với nhiều nội dung liên quan đến quyền tự do cơ bản của con người trong đó có cả “quyền tư hữu tài sản”, bản Hiến pháp 1946 còn thể hiện bước tiến có thể coi là “nổi trội” so với các bản Hiếp pháp cùng thời ngay cả của các quốc gia có nền dân chủ phát triển. Đó là việc Hiến pháp 1946 xác định “người phụ nữ Việt Nam được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền công dân” trong đó có cả quyền tham gia bầu cử và ứng cử. Thực tế cho thấy trước khi có bản Hiến pháp này thì cái quyền ấy đã được thể hiện một cách sinh động trong cuộc Tổng tuyển cử 6.1.1946. Trong danh sách những đại biểu nữ trúng cử vào Quốc hội khóa I và ngay trong ủy ban soạn thảo Hiến pháp cũng có một thành viên nữ là bà Nguyễn Thị Thục Viên.

“Xin nhắc lại ở thời điểm đó, quyền tham gia hoạt động chính trị trong đó có quyền bầu cử và ứng cử vào thời điểm năm 1946 ngay ở nhiều nước Châu Âu vẫn chưa được thực hiện. Cần bổ sung thêm một chi tiết ít được nhắc tới là điều 16 với nội dung : “Những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ, tự do thì được trú ngụ trên đất Việt Nam. Do vậy việc đánh giá bản Hiến pháp 1946 là “bản hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một cách nói khiêm nhường.” - ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "70 năm Hiến pháp Việt Nam". Ảnh Trần Vương

Tuy nhiên, bản dự thảo Hiến pháp 1946 tiếp tục được thảo luận và bổ sung để rồi ngày 9.11.1946 Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này được gọi tắt để định vị thời gian là “Hiến pháp 1946” đã được thông qua tại phiên họp toàn thể với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 vị Đại biểu Quốc hội tham dự.

Như vậy là Hiến pháp 1946 đã được thông qua nhưng điều đáng nói là nó chưa kịp ban hành thì nguy cơ chiến tranh đã cận kề. Và trong thực tế lịch sử thì bản Hiến pháp 1946 chưa có thủ tục ban hành. Cho đến năm 1959 một bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua và ban hành vào thời điểm miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng nhưng cuộc đấu tranh giành thống nhất trở nên cam go dẫn đến một cuộc chiến tranh 20 năm mới kết thúc. Rồi dân tộc ta lại phải đi tiếp những cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đồng thời con đường phát triển của đất nước trong đó có cả mục tiêu xây dựng và hoàn thiện từng bước thể chế chính trị của quốc gia đòi hỏi chúng ta phải trải qua nhiều lần sửa đổi cho Hiến pháp đương đại 2013. Chính trong thực tiễn sinh động ấy lại trong bối cảnh không ngừng hội nhập thì Bản Hiến pháp đầu tiên ra đời cách đây gần 70 năm góp phần để chúng ta nhìn nhận và kế thừa như một mẫu mực chứa đựng tinh thần yêu nước và trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/hien-phap-1946-ban-hien-phap-dau-tien-trong-coi-a-dong-608153.bld