Hiện còn nhiều loại chất thải chưa có hướng giải quyết

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện có nhiều loại chất thải chưa có hướng giải quyết như: gần 1000 điểm tồn dư chất bảo vệ thực vật, núi bã thải phosphogypsum của nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ (Hải Phòng), phốt pho vàng, xỉ than ngành nghiệt điện, ngành hóa chất…

Núi bã thải phosphogypsum (GYPS) chứa hơn 4 triệu tấn thải của nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ (Hải Phòng), nhiều năm qua gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ảnh internet.

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo tăng cường sự tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức chính phủ Việt Nam tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài khẳng định: Trong những năm gần đây các vấn đề môi trường đang tiếp tục gia tăng, chất lượng môi trường tiếp tục suy giảm. Dự báo những vấn đề về môi trường tiếp tục diễn ra trong 5-10 năm tới, sau đó các vấn đề môi trường sẽ được giải quyết và chất lượng môi trường sẽ giảm dần.

Theo ông Tài, hiện mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta đang dựa vào khai thác tài nguyên, vào những ngành công nghiệp, loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường và dựa vào đầu tư nguồn nhân lực mà chưa dựa vào nguồn lực tài chính, tri thức, công nghệ để phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có 16 mô hình, loại hình công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng lại đóng góp phần lớn vào ngân sách nhà nước và các địa phương như: Nhiệt điện, luyện kim, nhuộn, giấy, da giầy… Đây đều là những ngành công nghiệp nhiều nước trên thế giới đang giảm dần, thậm đưa ra khỏi biên giới.

Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của dân và doanh nghiệp chưa cao, thậm chí đang ở mức thấp. Đối với doanh nghiệp trốn tránh bảo vệ môi trường bằng mọi cách như: Lách luật, không chấp hành pháp luật, không tự giác giải quyết các vấn đề môi trường. Đối với người dân ý thức bảo vệ môi trường cũng chưa cao. Nếu hơn 90 triệu người dân Việt Nam có ý thức phân loại rác tại nguồn thì rác thải sinh hoạt sẽ trở thành tài nguyên, lượng rác sinh hoạt phải xử lý rất nhỏ, thậm chí không phải xử lý.

Hiện doanh nghiệp tăng và các dự án được đầu tư tăng theo cấp số nhân, trong khi đó, năng lực quản lý về môi trường của cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp không tăng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, nhiều vấn đề môi trường từ Trung ương đến địa phương không giải quyết được. Đồng thời, có những ngành sản xuất phát sinh nhiều loại rác thải, doanh nghiệp cũng chưa giải quyết được.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, trình độ công nghệ… ở nước ta vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, tại các thành phố lớn hạ tầng bảo vệ môi trường còn hạn chế, đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải tập trung gần như chưa có ở các thành phố. Từ đó, có gần 90% nước thải sinh hoạt ở các đô thị xả thải ra môi trường chưa được xử lý, chỉ có 11% được xử lý.

Nguồn lực tài chính của Nhà nước và doanh nghiệp chưa đủ để xử lý các vấn đề môi trường. Như để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở thành phố Tokyo, Nhật Bản đã đầu tư hơn 40 tỷ USD, gần bằng tổng chi ngân sách của Việt Nam.

Ông Tài cũng cho biết: Hiện đang nổi lên vấn đề bùng phát những sự cố môi trường ảnh hưởng trên diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, tác động đến kinh tế xã hội từ những ngành sản xuất, kinh doanh, từ những dự án lớn.

Để giải quyết vấn đề này, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thiết lập đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương để tiếp nhận thống tin, xử lý kịp thời các vụ việc ô nhiễm môi trường. Đồng thời, có sự hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương khi xảy ra sự cố môi trường có sự phối hợp xử lý, có hướng khoanh vùng đối tượng, xác định từng vấn đề đối tượng vấn đề để chủ động phòng ngừa các sự cố môi trường…

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, trong đó có công cụ, biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường mới… để hạn chế và giảm dần nhưng nguy cơ có thể xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện kết nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và người dân, để đồng hành giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/con-nhieu-loai-chat-thai-chua-co-huong-giai-quyet.aspx