Hiện bom mìn vẫn nằm rải rác ở 63/63 tỉnh thành

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.

Quang cảnh buổi họp Ảnh: Xuân Thảo.

Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 28/3.

Theo đó, số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Tại một số tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định) đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết, 12.260 người bị thương.

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn (trong đó có hơn 7,8 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%).

Phát biểu tại buổi họp, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: hiện nay các chính sách đối với nạn nhân bom mìn được lồng ghép trong các chính sách đối với người khuyết tật. 100% các nạn nhân bom mìn đều được hưởng các chế độ về bảo hiểm cũng như các chính sách hỗ trợ về việc làm và học nghề.

Những nạn nhân bom mìn là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ mai táng phí, hỗ trợ phục hồi chức năng… Những trường hợp không được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng, gia đình, sẽ được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có quy định cụ thể, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai trợ giúp, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, xây dựng mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn; chú trọng phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ, trong đó, có mạng lưới xã hội để cung cấp trị liệu, chuyển tuyến dịch vụ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy các mô hình giáo dục chuyên biệt cho nạn nhân bom mìn.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/no-luc-khac-phuc-hau-qua-bom-min-sau-chien-tranh-tai-viet-nam.aspx