Hiếm hoi nghề làm giá đỗ truyền thống

Giữa thời buổi loạn thực phẩm độc hại, thức ăn tẩm hóa chất thì những sản phẩm sạch được làm hoàn toàn thủ công trở nên xa xỉ, khó tìm. Chúng tôi đã tìm về một cơ sở làm giá truyền thống để mục sở thị công việc làm giá đỗ truyền thống sạch của chị Nguyễn Thị Tư (trú Lệ Bắc, H. Duy Xuyên, Quảng Nam), được xem là nơi làm giá đỗ lớn nhất trong vùng. Từ một khoảnh đất được bao bọc bởi hàng tre cao vút chị Tư cho dựng lên một căn chòi là nơi ủ giá. Chị Tư chia sẻ: "Đây là loại giá cát, 100% sạch sẽ vì đậu xanh cũng mua tại quê mình. Giá được ủ lớn bằng cát và nước không dùng bất kỳ một loại hóa chất nào. Quy trình làm giá thì rất nhanh và đơn giản. Trung bình một mẻ giá sẽ được thu hoạch sau 3 ngày 4 đêm". Nếu hiện nay đa phần làm giá trong chum, sành thì chị Tư vẫn giữ nguyên cách làm truyền thống là ủ giá trong cát. Để chỉ rõ cho chúng tôi thấy đây là giá sạch, chị Tư chỉ từng công đoạn trong quá trình làm giá hoàn toàn tự nhiên. Để có cát làm giá cứ 3 ngày chị lại mua 4 khối cát. "Cát phải là cát sạch không nhiễm phèn thì cọng giá mới lớn, không đen. Còn đậu xanh phải lựa hạt đậu mẩy, không sâu". Một yếu tố quan trọng nữa là giá phải luôn được cung cấp đủ nước, vì vậy gia đình chị Tư đã cho khoan giếng tại chỗ để tiện tưới nước cho cọng giá ngon và ngọt.

Nghề làm giá của gia đình chị Tư đã trải qua 3 thế hệ. Bà Phan Thị Dệ (mẹ chồng chị Tư) cho biết bà đã làm giá từ khi còn nhỏ. "Hồi xưa chạy giặc qua đây thấy người ta làm nên tôi bắt chước. Nghề dạy nghề sau này tôi tự làm giá rồi đi bán ngoài chợ. Sau này con trai có gia đình thì tôi truyền nghề lại. Vùng Lệ Bắc này toàn là cát nên rất thích hợp làm giá. Ngày xưa tui làm ngoài bãi, đào cát lên mà ủ. Hồi đó cực lắm vì làm ngoài trời thời tiết không ổn định, những khi mưa lụt lại phải nghỉ làm". Qua thời gian thấy làm giá ngoài bãi vừa cực nhọc vừa dễ hư hỏng nên bà Dệ và con dâu chuyển về mảnh đất gần nhà dùng nhôm để quây cát lại tạo thành những ụ nuôi giá đỗ. Hiện nay cả gia đình bà 3 thế hệ đều làm giá đỗ cho thu nhập ổn định.

Chị Tư đang tưới nước cho giá.

Chị Tư đang tưới nước cho giá.

Việc lạm dụng hóa chất Trung Quốc để làm giá đỗ trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang. "Giá to và mập đó là loại giá hũ. Giá đó không có đầu và rễ, không nuôi bằng cát mà trong chậu. Chính vì vậy nên để giá phát triển phải dùng thuốc. Giá nhà tôi làm thì cọng dài hơn, tuy không bắt mắt bằng nhưng hoàn toàn chất lượng. Ở nơi khác dùng hóa chất sao thì tôi không biết nhưng giá gia đình tôi làm hoàn toàn sạch". Cũng theo chị Tư tuy nghề làm giá không khó nhưng không phải nơi nào cũng làm được vì không có cát sạch, vì vậy mới xuất hiện loại giá đỗ ngâm hóa chất. Theo kinh nghiệm của chị Tư, giá làm bằng hóa chất nhìn bắt mắt nhưng bị thối và nhũn rất nhanh. Còn giá làm theo phương pháp truyền thống nhiều rễ hơn và cũng để được lâu hơn. Theo thời gian, nguồn giá sạch gia đình chị Tư cung cấp trên địa bàn ngày càng mở rộng, giá bán hiện tại là 8.000 đồng/ kg. Hiện nay mỗi ngày vợ chồng chị Tư phải dậy từ 3 giờ sáng nhổ giá để kịp cung ứng cho các nơi. Trung bình mỗi ngày chị xuất hơn 100kg giá. Bên cạnh nghề làm giá gia đình còn tăng gia sản xuất bằng cách nuôi gà thả vườn. Tận dụng gốc rễ của cọng giá bỏ đi để cho gà ăn gia đình chị đã tiết kiệm được kha khá chi phí chăn nuôi.

Chị Tư cho biết thêm vì giá gia đình làm hoàn toàn thủ công, sạch sẽ nên cứ chiều chiều vợ chồng con cái lại quây quần cuốn bánh tráng. "Nếu rổ rau sống không có cọng giá là mấy đứa con tôi không chịu ăn. Có khi mình lười không lên trại giá nhổ là nó lại la nói rổ rau mà không có giá thì có chi mà ngon nữa", chị Tư cười hiền.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_158375_hie-m-hoi-nghe-la-m-gia-do-truye-n-tho-ng.aspx